article banner
Bản tin Thuế

Cập nhật dự thảo chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19

Cập nhật chính sách thuế kỳ quyết toán thuế năm 2019

Trong bản tin này, Grant Thornton Việt Nam xin được cập nhật tới Quý khách hàng một số hướng dẫn chính sách quan trọng về thuế liên quan đến kỳ quyết toán thuế năm 2019 và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thuế trong thời gian dịch bệnh do virut SARS-CoV-2 (COVID-19) gây ra. Dịch COVID-19 khởi phát từ cuối tháng 12 năm 2019, đến giờ đã lan rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Ngày 11 tháng 3 năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới đã chính thức tuyên bố dịch COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Trước tình hình đó, Grant Thornton Việt Nam mong muốn chia sẻ với Quý khách hàng các cập nhật về chính sách tuân thủ thuế và giãn thuế, hoãn thuế, giảm thuế áp dụng trong giai đoạn này tại Việt Nam.

Với tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, Việt Nam không nằm ngoài các nước bị chịu ảnh hưởng bởi dịch này. Trong bối cảnh ấy, các doanh nghiệp cần lưu ý đến các vấn đề sau:

A. Thời hạn quyết toán thuế năm

Theo điểm đ, Khoản 3, Điều 10, Thông tư 156/2013/TT-BTC: “Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm chậm nhất là ngày thứ 90 (chín mươi), kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính.”

Mặc dù đã có rất nhiều kiến nghị về giãn, hoãn, giảm thuế cho năm 2019 từ các doanh nghiệp, tuy nhiên, theo đề xuất mới nhất của Bộ tài chính, thời hạn quyết toán thuế năm chưa có gì thay đổi. Như vậy, hiện nay người nộp thuế, doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn được yêu cầu nộp hồ sơ quyết toán năm (đối với một số loại thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân…) trong vòng 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính.

B. Các khoản chi phí được trừ liên quan khi xác định nghĩa vụ thuế Thu nhập Doanh nghiệp (“TNDN”)

Trong trường hợp Công ty có các chi phí liên quan đến tổn thất do dịch bệnh COVID-19, giá trị tổn thất được xác định bằng tổng giá trị tổn thất trừ phần giá trị doanh nghiệp bảo hiểm hoặc tổ chức, cá nhân khác bồi thường theo quy định của pháp luật. Công ty cần hoàn thiện hồ sơ chứng minh tổn thất và xuất trình khi cơ quan thuế yêu cầu để tính vào chi phí được trừ khi xác định nghĩa vụ thuế TNDN theo mục 2.1, khoản 2, Điều 4, Thông tư 96/2015/TT-BTC, cụ thể như sau:

  • Biên bản kiểm kê giá trị tài sản, hàng hóa bị tổn thất do doanh nghiệp lập.

Biên bản kiểm kê giá trị tài sản, hàng hóa tổn thất phải xác định rõ giá trị tài sản, hàng hóa bị tổn thất, nguyên nhân tổn thất, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về những tổn thất; chủng loại, số lượng, giá trị tài sản, hàng hóa có thể thu hồi được (nếu có); bảng kê xuất nhập tồn hàng hóa bị tổn thất có xác nhận do đại diện hợp pháp của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

  • Hồ sơ bồi thường thiệt hại được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường (nếu có).
  • Hồ sơ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường (nếu có).

Hồ sơ nêu trên được lưu tại doanh nghiệp và xuất trình với cơ quan thuế khi cơ quan thuế yêu cầu.

C. Cập nhật các quy định về gia hạn thuế phải nộp

Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại Việt Nam, rất nhiều doanh nghiệp và người nộp thuế trong nhiều lĩnh vực đang chịu ảnh hưởng nặng nề trong hoạt động sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã và đang có những hành động tích cực và mạnh mẽ nhằm mục tiêu hỗ trợ cho những đối tượng bị ảnh hưởng. Ngày 04 tháng 3 năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19. Theo đó, đáng lưu ý nhất là Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng nhà nước tung gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỷ đồng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng và chỉ đạo Bộ tài chính đề xuất gói hỗ trợ khoảng 30 nghìn tỷ đồng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và bảo đảm anh sinh xã hội trong tháng 3 năm 2020.

Theo tinh thần này, ngày 11 tháng 3 năm 2020, Bộ Tài chính đã ban hành dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong đó có một số nội dung đáng chú ý như sau:

Đối tượng được xem xét gia hạn

(i) Doanh nghiệp, tổ chức có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại một trong các ngành kinh tế sau: nông-lâm-thủy sản; sản xuất chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất giày, dép; sản xuất sản phẩm từ cao su; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; sản xuất, lắp ráp ô tô (trừ sản xuất, lắp ráp ô tô từ 09 chỗ ngồi trở xuống); vận tải đường sắt; vận tải đường bộ; vận tải đường thủy; vận tải hàng không; kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải; dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch;

(ii) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các ngành kinh tế nêu trên

(iii) Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ theo quy định của chính phủ.

 Loại thuế và tiền thuê đất được gia hạn

Đối với các đối tượng thuộc nhóm (i) và (iii), Bộ tài chính đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (“GTGT”) thêm 5 tháng cho thuế GTGT phải nộp phát sinh trong các tháng 3, 4, 5, 6 năm 2020 hoặc trong các quý I, II năm 2020.

Đối với các đối tượng thuộc nhóm (ii), Bộ tài chính đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT và thuế thu nhập cá nhân (“TNCN”) phát sinh trong năm 2020 đến trước ngày 15 tháng 12 năm 2020.

Trong những trường hợp được gia hạn trên, người nộp thuế vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế theo quy định hiện hành và chỉ được gia hạn thời hạn nộp thuế.

Về tiền thuê đất hàng năm trong trường hợp người nộp thuế được nhà nước cho thuê đất trực tiếp trả tiền hàng năm và sử dụng đất cho các ngành kinh doanh bị ảnh hưởng nêu trên, Bộ tài chính đề xuất gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất thêm 5 tháng cho các đối tương thuộc nhóm (i) và (ii) nhưng thời hạn nộp tiền thuê đất chậm nhất là ngày 31 tháng 10 năm 2020.

Trình tự và thủ tục gia hạn

Ban hành kèm theo dự thảo Nghị định là Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất (“GĐN”). Đối tượng được xem xét gia hạn cần gửi GĐN cho cơ quan thuế quản lý chậm nhất vào ngày 31 tháng 5 năm 2020. Nếu GĐN được gửi muộn hơn thời điểm này thì người nộp thuế không được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Trong thời gian gia hạn, người nộp thuế không phải nộp tiền chậm nộp thuế, chậm nộp tiền thuê đất.

Hiện nay, dự thảo Nghị định vẫn đang tiếp tục được lấy ý kiến góp ý của người nộp thuế. Nếu Quý khách hàng mong muốn đưa ra ý kiến góp ý cho dự thảo, vui lòng truy cập vào website chính thức của Bộ tài chính tại địa chỉ www.mof.gov.vn.

Trong bối cảnh dự thảo mới đang được lấy ý kiến và chưa có hiệu lực, Tổng cục thuế cũng đã ban hành Công văn số 897/TCT-QLN ngày 03 tháng 3 năm 2020 hướng dẫn về gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Trong công văn này, Tổng cục thuế chỉ đạo các cục thuế địa phương thực hiện thủ tục gia hạn và miễn tiền chậm nộp thuế theo quy định hiện hành, cụ thể như sau:

Mức thuế được gian hạn, thời gian gia hạn và mức miễn tiền chậm nộp

Khoản 2, Điều 31, Thông tư 156/2013/TT-BTC quy định số tiền nợ thuế được phép gia hạn không vượt quá giá trị vật chất bị thiệt hại và thời gian gia hạn không quá 2 năm, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế.

Điều 35, Thông tư 156/2013/TT-BTC và Điểm c, Khoản 11, Điều 2, Thông tư 26/2015/TT-BTC quy định về việc miễn tiền chậm nộp tiền thuế trong trường hợp dịch bệnh. Số tiền chậm nộp được miễn tính trên số tiền thuế còn nợ tại thời điểm xảy ra địch bệnh và mức miễn tiền chậm nộp tối đa không quá giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại.

Hồ sơ đề nghị gia hạn nộp thuế và miễn tiền chậm nộp

Để chuẩn bị xin miễn tiền chậm nộp, Doanh nghiệp cần chuẩn bị các hồ sơ sau để nộp cho Cơ quan thuế quản lý:

  • Văn bản đề nghị gia hạn nộp thuế hoặc văn bản đề nghị miễn tiền chậm nộp;
  • Biên bản kiểm kê, đánh giá giá trị vật chất thiệt hại do người nộp thuế hoặc người đại diện hợp pháp của người nộp thuế lập trong trường hợp đề nghị gia hạn nộp thuế;
  • Biên bản xác định mức độ, giá trị thiệt hại về tài sản của cơ quan có thẩm quyền như Hội đồng định giá do Sở Tài chính thành lập, hoặc các công ty định giá chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ định giá theo hợp đồng, hoặc Trung tâm định giá của Sở Tài chính đối với trường hợp đề nghị miễn tiền chậm nộp thuế;
  • Văn bản xác nhận về việc người nộp thuế có thiệt hại tại thời điểm xảy ra dịch bệnh của một trong các cơ quan, tổ chức sau: công an cấp xã, phường hoặc UBND cấp xã, phường, Ban quản lý Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế nơi xảy ra dịch bệnh.
  • Hồ sơ bồi thường thiệt hại được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường (nếu có).

D. Kế hoạch thanh, kiểm tra thuế, hải quan trong năm 2020

Tại Chỉ thị số 11/CT-TTg, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ban, ngành khẩn trương rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính cũng như chi phí cho doanh nghiệp. Thực hiện yêu cầu này, Bộ Tài chính đã yêu cầu cơ quan thuế, cơ quan hải quan xem xét không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời không để doanh nghiệp lợi dụng chủ trương này vi phạm pháp luật.

Theo đó, Tổng cục hải quan đã thông báo đang điều chỉnh lại kế hoạch thanh, kiểm tra toàn ngành và tùy theo đề xuất của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, Tổng cục Hải quan sẽ tạm hoãn các cuộc thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch của quý I năm 2020 và chuyển sang quý II, quý III năm 2020.

Đồng thời, Tổng cục thuế cũng đã có công văn chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tập trung thanh, kiểm tra đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế và không thanh kiểm tra các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm.

Cập nhật các quy định về chính sách giá chuyển nhượng

A. Tuân Thủ quy định về Xác định giá giao dịch liên kết

Người nộp thuế doanh nghiệp tại Việt Nam được yêu cầu nộp báo cáo quyết toán thuế TNDN trong vòng 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính của mình. Theo  đó, các doanh nghiệp có năm tài chính kết thúc vào ngày 31 tháng 12 được yêu cầu sẽ phải hoàn thành các Phụ lục tờ khai Xác định giá giao dịch liên kết khi chuẩn bị Tờ khai quyết toán thuế TNDN trước ngày 30 tháng 3 năm 2020. Các Phụ lục tờ khai này bao gồm:

a) Thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết – Mẫu 01;

b) Thông tin về Hồ sơ quốc gia – Mẫu 02;

c) Thông tin về Hồ sơ toàn cầu – Mẫu 03, nếu áp dụng; và

d) Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của Công ty mẹ tối cao - Mẫu 04, nếu áp dụng

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần lập và lưu trữ Hồ sơ quốc gia - là báo cáo xác định giá giao dịch liên kết của bản thân doanh nghiệp nhằm kiểm tra bản chất giá thị trường các giao dịch liên kết và Hồ sơ toàn cầu - là Báo cáo xác định giá giao dịch liên kết của Tập đoàn. Các bộ hồ sơ này sẽ cần được nộp tới cơ quan thuế sau này, khi có yêu cầu cụ thể của cơ quan thuế.

Việc doanh nghiệp không tuân thủ nguyên tắc giá thị trường cũng như không cung cấp được các tài liệu xác định giá giao dịch liên kết được yêu cầu theo luật sẽ dẫn đến khả năng cơ quan thuế  thực hiện điều chỉnh giá chuyển nhượng hoặc lợi nhuận ảnh hưởng đến số thuế phải nộp của doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp cũng sẽ có rủi ro bị phạt hành chính và phạt chậm nộp trên số thuế còn thiếu sau khi kết quả kinh doanh chịu sự điều chỉnh của cơ quan thuế.

Dịch Covid-19 đã làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như hoạt động kinh doanh của các công ty đa quốc gia. Các đơn vị này dự kiến sẽ chịu các tác động tiêu cực đối với kết quả kinh doanh của mình, cụ thể là sự sụt giảm doanh thu và lợi nhuận trong kỳ. Do đó, các kết quả kinh doanh không thuận lợi này của các công ty đa quốc gia sẽ là đối tượng quan tâm chính của các cuộc thanh tra kiểm tra thuế của cơ quan thuế Việt Nam. Vì vậy, các trường hợp suy giảm lợi nhuận hoặc kết quả kinh doanh bị lỗ (nếu có) cần phải được nghiên cứu và giải trình cụ thể trong Hồ sơ Quốc gia của đơn vị lập tại Việt Nam. Các điều chỉnh kinh tế cũng có thể được cân nhắc để phản ánh các ảnh hưởng đột biến đối với doanh nghiệp cũng như các công ty độc lập so sánh được lựa chọn trong quá trình lập hồ sơ và giải trình với cơ quan thuế trong các cuộc thanh kiểm tra

B. Cập nhật mới từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD về các giao dịch tài chính

Vào ngày 11 tháng 2 năm 2020, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (‘OECD’) đã ban hành hướng dẫn về Diễn Biến 4 và 8-10 của Chương trình hành động Chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) về các khía cạnh khác nhau về giá chuyển nhượng của một số loại giao dịch tài chính. Trong hướng dẫn này, OECD đã đề xuất các phương pháp khả thi để có thể kiểm tra bản chất giá thị trường của các khoản vay trong Tập đoàn, phương thức quản lý tài khoản tập trung, bảo hiểm rủi ro, bảo lãnh tài chính và bảo hiểm nội ngành, cũng như các yếu tố cần được xem xét đến khi phân tích các giao dịch này.

Hướng dẫn này là bản cập nhật của văn bản OECD dự thảo trước đó về các giao dịch tài chính trong tháng 7 năm 2018. Văn bản cập nhật này được coi là vô cùng quan trọng vì đây là lần đầu tiên OECD hướng dẫn về các khía cạnh giá chuyển nhượng khác nhau của các giao dịch tài chính và nhờ đó, đã góp phần vào củng cố sự nhất quán trong việc thực hiện các giao dịch liên kết cũng như giúp tránh phát sinh các tranh cãi về giá chuyển nhượng và giảm thiểu việc đánh thuế hai lần. Báo cáo cũng cung cấp giải thích về các cách phân tích được dùng để phân định chính xác các giao dịch thực tế và kiểm soát rủi ro phát sinh từ các thỏa thuận giao dịch tài chính. Các hướng dẫn này, thông qua một số ví dụ minh họa, đã hỗ trợ người nộp thuế tự xác định xem các điều khoản của một số giao dịch tài chính nhất định đối với bên liên kết có thực sự đang tuân thủ nguyên tắc giá giao dịch độc lập hay không.

Trong trường hợp có những vướng mắc cụ thể, vui lòng liên hệ với các chuyên gia tại Grant Thornton Việt Nam để được tư vấn chuyên sâu.