article banner
Bản tin Thuế

Cập nhật các văn bản quy định pháp luật mới và một số chính sách quan trọng về thuế

Việt Nam đang triển khai hàng loạt thay đổi quan trọng về mặt chính cơ chế chính sách nhằm giải quyết các khó khăn hậu COVID-19 cũng như cải thiện môi trường kinh doanh, khơi thông các nguồn lực trong xã hội nhằm thu hút và tận dụng hiệu quả hơn các cơ hội có thể có trong bối cảnh các thị trường lớn trên thế giới đang dần mở cửa trở lại và mở rộng chuỗi cung ứng để giảm thiểu rủi ro.

Trong bản tin này, Grant Thornton Việt Nam xin được cập nhật một số chính sách pháp luật mới được thông qua trong thời gian gần đây.

1. Nghị quyết số 116/2020/QH14 về giảm 30% số thuế TNDN phải nộp năm 2020

Nghị quyết số 116/2020/QH14 (“Nghị quyết 116”) được Quốc hội thông qua ngày 19/06/2020 về việc giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam cụ thể như sau:

  • Giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng.
  • Doanh nghiệp tự xác định số thuế được giảm khi tạm nộp thuế TNDN theo quý và quyết toán thuế TNDN năm 2020.

Nghị quyết có hiệu lực sau 45 ngày sau ngày ký và áp dụng duy nhất cho kỳ tính thuế năm 2020. Hiện tại, Chính phủ đang trong quá trình dự thảo và xin ý kiến góp ý đối với Nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết 116. Chúng tôi sẽ cập nhật sớm nhất đến quý công ty các thông tin mới về vấn đề này trong thời gian sắp tới.  

2. Luật đầu tư 2020 số 61/2020/QH14

Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 (Luật đầu tư 2020) được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 17/6/2020 thay thế Luật đầu tư 2014 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021. Một số nội dung chính đáng chú ý của Luật đầu tư mới cụ thể như sau:

  • Bổ sung “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
  • Cắt giảm một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như: Nhượng quyền thương mại; Kinh doanh dịch vụ Logistic; Kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển; v..
  • Bổ sung một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện như Kinh doanh nước sạch (nước sinh hoạt); Kinh doanh dịch vụ kiến trúc, v.v..
  • Sửa đổi, bổ sung các ngành, nghề ưu đãi đầu tư, điều kiện thực hiện dự án đầu tư nhằm tăng cường thu hút đầu tư như lĩnh vực Giáo dục đại học, các dự án có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, các dự án khởi nghiệp sáng tạo, các dự án đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa, v.v..
  • Bổ sung quy định về giám định giá trị vốn đầu tư, máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ trong trường hợp cần thiết để xác định căn cứ tính thuế, góp phần hạn chế tình trạng chuyển giá, trốn thuế, nâng cao chất lượng dự án đầu tư tại Việt Nam.
  • Bổ sung các quy định về chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư như trường hợp nhà đầu tư  bị thu hồi đất do không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng; nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trên cơ sở giao dịch giả tạo; v.v.. nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng xử lý xử lý dứt điểm tình trạng dự án treo.

3. Luật Doanh Nghiệp 2020 số 59/2020/QH14

Luật Doanh Nghiệp số 59/2020/QH14 (Luật Doanh Nghiệp 2020) ban hành ngày 17/06/2020 thay thế Luật Doanh nghiệp 2014 số 68/2014/QH13 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021. Một số điều chỉnh đáng chú ý trong Luật Doanh Nghiệp 2020 cụ thể như sau:

  • Cắt giảm thủ tục thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh. Đồng thời, bổ sung quy định doanh nghiệp có thể sử dụng dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định về giao dịch điện tử.
  • Mở rộng khái niệm doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết thay vì 100% vốn điều lệ như quy định tại Luật doanh nghiệp 2014.
  • Bổ sung quy định về Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết.
  • Rút ngắn thời hạn doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh xuống còn chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.

4. Thông tư 13/2020/TT-BTTTT quy đinh việc xác định hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm

Ngày 03/07/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 13/2020/TT-BTTTT (“Thông tư 13”) thay thế Thông tư 16/2014/TT-BTTTT (“Thông tư 16”) hướng dẫn về các điều kiện xác định hoạt động sản xuất kinh doanh phần mềm có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/8/2020 với một số nội dung nổi bật như sau:

  • Thông tư 13 làm rõ một số nội dung như

+ Phạm vi điều chỉnh: xác định hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình cho mục đích hưởng ưu đãi thuế TNDN.

+ Đối tượng áp dụng: bao gồm các tổ chức, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm thuộc Danh mục sản phẩm phần mềm theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

  • Mặc dù Thông tư 13 giữ nguyên 7 quy trình sản xuất phần mềm như quy định tại Thông tư 16, tuy nhiên trong phần mô tả, Thông tư 13 làm rõ hơn các chi tiết cụ thể của từng tác nghiệp trong từng công đoạn.
  • Ngoài ra, so với các nội dung quy định tại các điểm a, b và c Khoản 2 Điều 6 Thông tư 16 trước đây, quy định về xác định hoạt động sản xuất phần mềm được quy định theo hướng giản lược hơn trong Thông tư 13.

Cụ thể, hoạt động sản xuất một sản phẩm phần mềm của tổ chức, doanh nghiệp được xác định là hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình khi đối với sản phẩm đó, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện ít nhất một trong hai công đoạn: Xác định yêu cầu hoặc Phân tích và thiết kế quy định. Đồng thời, việc sản xuất phần mềm cần được thể hiện bằng một hoặc một số tài liệu được quy định trong thông tư này, tương ứng với từng tác nghiệp thuộc các công đoạn mà doanh nghiệp thực hiện.

  • Các hoạt động sản xuất phần mềm đã được xác định đáp ứng quy trình theo quy định trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực vẫn tiếp tục được coi là đáp ứng quy trình sản xuất phần mềm cho đến khi hết thời hạn của dự án đầu tư đã được phê duyệt.

5. Công văn số 2835/TCT-TTKT hướng dẫn một số nội dung của Nghị định 68/2020/NĐ-CP về chi phí lãi vay của doanh nghiệp có giao dịch liên kết

Ngày 14/07/2020, Tổng Cục thuế đã ban hành công văn số 2835/TCT-TTKT hướng dẫn một số nội dung của Nghị định 68/2020/NĐ-CP về giao dịch liên kết. Nội dung cụ thể như sau:

Đối với kỳ quyết toán thuế năm 2019

  • Đối với các DN đã kê khai quyết toán thuế năm 2019 theo kỳ quyết toán đến hạn trước ngày 31/03/2020 thì thực hiện khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN theo Nghị định 68.
  • Đối với các DN chưa đến kỳ khai quyết toán thuế năm 2019 thì thực hiện theo quy định sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 68.

Đối với việc xử lý hồi tố cho kỳ tính thuế năm 2017 và 2018

  • Việc xử lý hồi tố chi phí lãi vay khống chế theo quy định tại khoản 3 điều 8 Nghị định 20 cho các năm 2017, 2018 chỉ áp dụng đối với các quy định:
  • Ngưỡng khống chế chi phí lãi vay: nâng từ 20% lên 30%; và
  • Phương pháp tính chi phí lãi vay thuần: lãi vay trừ (-) lãi tiền gửi, lãi cho vay
  • Không áp dụng hồi tố đối với quy định sửa đổi, bổ sung tại điểm (b) (chuyển tiếp chi phí) và (c) (mở rộng đối tượng áp dụng) tại Nghị định 68 cho các năm 2017, 2018.

6. Công văn 2014/TCT-DNNCN của Tổng cục thuế trả lời EUROCHAM về thuế TNCN của chi phí xin visa, làm thẻ tạm trú cho người lao động

Ngày 18/05/2020, Tổng cục thuế đã ban hành Công văn số 2014/TCT-DNNCN trả lời Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu (Eurocham) về chính sách thuế TNCN cho các khoản chi phí làm thẻ tạm trú, thị thực cho người lao động, theo đó:

  • Trường hợp các khoản chi phí làm và gia hạn thẻ tạm trú, thị thực cho người lao động nước ngoài do người sử dụng lao động chi trả để người lao động nước ngoài đủ điều kiện vào làm việc tại các tổ chức tại Việt Nam là trách nhiệm của người sử dụng lao động thì các khoản chi phí này không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công của người lao động nước ngoài.
  • Trường hợp khoản chi phí làm thị thực cho người lao động làm việc tại các tổ chức tại Việt Nam đi công tác nước ngoài theo yêu cầu của công việc là công tác phí theo đúng quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của tổ chức thì không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động. Phần chi công tác phí vượt mức quy định được tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động.
  • Trường hợp các khoản chi phí làm thẻ tạm trú, thị thực cho người lao động nước ngoài do công ty chi trả thay cho người lao động là lợi ích được hưởng của người lao động thì các khoản này tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công của người lao động nước ngoài.

Như vậy, tại hướng dẫn lần này, TCT đã làm rõ hơn cách xử lý thuế TNCN đối với các khoản chi phí làm thẻ tạm trú, visa cho người lao động nước ngoài do công ty chi trả thay cho người lao động so với một số hướng dẫn trước đây (như tại Công văn số 3867/TCT-TNCN ban hành ngày 25/08/2017 của Tổng Cục Thuế).

7. Công văn 3552/CT-TTHT về thuế TNCN từ thu nhập từ quà tặng của người lao động

Ngày 08/04/2020, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã ban hành công văn số 3552/CT-TTHT trả lời về chính sách thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, trường hợp cá nhân là người lao động trong Công ty được Công ty tặng quà bằng hiện vật, tặng quà theo hình thức bốc thăm trúng thưởng, tặng phiếu mua hàng cho nhân viên thì khoản chi trả này là khoản lợi ích người lao động được hưởng, được tính vào thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công của người lao động.

Tuy nhiên, chúng tôi xin lưu ý về vấn đề này có thể có một số cục thuế đia phương có quan điểm khác, theo đó, trường hợp cá nhân là người lao động trong công ty được công ty tặng quà bằng hiện vật không thuộc khoản thu nhập chịu thuế từ quà tặng theo quy định tại khoản 10 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC thì có thể không phải kê khai, nộp thuế TNCN đối với quà tặng này.

Do vậy, các doanh nghiệp cần lưu ý và trao đổi thêm với phía cơ quan thuế quản lý trực tiếp về vấn đề này trước khi thực hiện để giảm thiểu rủi ro về thuế.

Vui lòng liên hệ với các chuyên gia tư vấn của Grant Thornton trong trường hợp Quý vị cần thêm ý kiến tư vấn chuyên môn liên quan đến việc áp dụng các chính sách thuế, kế toán, giá chuyển nhượng, các chính sách về lao động, đầu tư và hải quan cũng như các vướng mắc về chính sách pháp luật khác trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.