article banner
Bản tin Thuế

Cập nhật các văn bản quy định pháp luật mới và một số chính sách quan trọng về thuế

Trong bản tin này, Grant Thornton Việt Nam xin được cập nhật tới Quý khách hàng các chính sách pháp luật quan trọng vừa được ban hành trong thời gian qua.

1. Nghị quyết số 128/2020/QH14 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021

Ngày 12/11/2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 128/2020/QH14 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Trong Nghị quyết 128, ngoài các nội dung liên quan đến NSNN, Quốc hội cũng đã thống nhất nhiều vấn đề quan trọng khác, trong đó có quyết định không tăng lương cơ sở và chuẩn nghèo trong năm 2021 tương tự như năm 2020 hiện tại. Ngoài ra, Quốc hội cũng giao Chính phủ hướng dẫn cách tính chi phí được trừ của doanh nghiệp và tổ chức đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp để đáp ứng tình hình thực tế và cổ vũ sự đóng góp chung tay của cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước.

2. Nghị định 128/2020/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan và Công văn số 7594/TCHQ-PC tổng hợp và giới thiệu các quy định mới tại Nghị định 128/2020/NĐ-CP

Ngày 19/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 128/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. Nghị định 128/2020 có hiệu lực từ ngày 10/12/2020.

Trong đó, một số nội dung đáng chú ý của Nghị định 128 như sau:

- Bổ sung một số chế tài xử phạt đối với một số vi phạm mới phát sinh: Hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam, hàng hóa có hình ảnh, nội dung thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia hoặc có nội dung khác gây ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội, quan hệ ngoại giao của Việt Nam; vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa, v.v..

- Các trường hợp không xử phạt hành chính trong lĩnh vực hải quan:

  • Hàng hóa, phương tiện vận tải được đưa vào Việt Nam do sự kiện bất ngờ, sự kiện bất khả kháng đã có thông báo bằng văn bản tới cơ quan hải quan hoặc cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật và được đưa ra khỏi Việt Nam sau khi các yếu tố bất khả kháng được khắc phục.
  • Khai bổ sung hồ sơ hải quan trong thời hạn theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Luật Hải quan năm 2014.
  • Người khai hải quan thực hiện theo văn bản hướng dẫn, quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế.

Ngoài ra, nhằm giúp các doanh nghiệp thi hành đúng quy định mới, ngày 30/11/2020, Tổng Cục Hải quan đã ban hành Công văn số 7594/TCHQ-PC tổng hợp và giới thiệu các quy định mới tại Nghị định 128/2020/NĐ-CP.

3. Công văn 5189/TCT-CS tổng hợp các điểm mới của Nghị định 126/2020/ND-CP về luật quản lý thuế

Ngày 07/12/2020 Tổng Cục thuế ban hành Công văn số 5189/TCT-CS tổng hợp các điểm mới của Nghị Định 126/2020/ND-CP về Luật quản lý thuế để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan dễ nắm bắt được các điểm thay đổi chính của quy định mới so với các quy định trước đây. Một số nội dung chính được tổng hợp trong Công văn 5189 bao gồm:

  • Quản lý thuế với người nộp thuế trong thời hạn tạm ngừng hoạt đông, kinh doanh
  • Quản lý thu các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước
  • Quy định về đăng ký thuế
  • Quy định về kê khai bổ sung hồ sơ khai thuế
  • Quy định về thuế GTGT, TNDN, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên
  • Thuế đối với khoản thu từ cổ tức, lợi nhuận được chia
  • Khai thuế với một số hoạt động như: xổ số, sản xuất điện, xăng dầu, cho thuê tài sản
  • Thay đổi về điều kiện kê khai thuế theo tháng, theo quý, theo năm và từng lần phát sinh

4. Công văn số 4964/TCT-VP cung cấp thông tin về thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp hàng quý

Ngày 20/11/2020 Tổng Cục thuế ban hành Công văn số 4964/TCT-VP làm rõ hơn về quy định mới của Chính phủ về tạm nộp thuế TNDN kể từ Nghị định 126/2020/NĐ-CP. Theo đó, nhằm khắc phục tình trạng các doanh nghiệp không thực hiện tạm nộp thuế TNDN hàng quý và dồn việc tạm nộp đến thời hạn nộp thuế của quý 4, Chính phủ đã quy định về tính tiền chậm nộp đối với thuế TNDN trong năm. Cụ thể, trường hợp doanh nghiệp nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 03 quý đầu năm (75% số thuế phải nộp) thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu so với số thuế phải nộp theo quyết toán kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế TNDN quý 3 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.Theo lý giải, quy định trên xuất phát từ thực thế là việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đều có phương án và kế hoạch hàng năm và sẽ hoàn toàn chủ động trong việc xác định/ước tính kết quả sản xuất kinh doanh trong năm để tiến hành tạm nộp thuế TNDN. Do vậy, trường hợp doanh nghiệp có kết quả bất thường về sản xuất kinh doanh trong quý 4 ngoài dự kiến là trường hợp hiếm.

Về kỳ tính thuế hiệu lực của quy định này, Tổng cục thuế đang báo cáo để có hướng dẫn cụ thể.

5. Thuế TNDN, TNCN đối với chi phí cách ly cho chuyên gia nước ngoài trong đợt dịch Covid 19

Nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp phát sinh các khoản chi phí cho cán bộ nhân viên người nước ngoài trong đợt dịch Covid 19, Tổng cục thuế và Cục thuế Hà Nội đã ban hành một số hướng dẫn về vấn đề này, cụ thể như sau:

Công văn 5032/TCT-CS ngày 26/11/2020 của Tổng Cục Thuế

Đối với chi phí khách sạn cho chuyên gia người nước ngoài trong thời gian cách ly mà trong hợp đồng lao động có ghi khoản chi về tiền nhà do doanh nghiệp trả cho người lao động thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ cho mục đích thuế TNDN. Khoản tiền vé máy bay có đầy đủ hóa đơn chứng từ theo quy định cũng được coi là chi phí được trừ của doanh nghiệp.

Về mặt thuế TNCN, khoản chi phí cách ly phòng chống dịch Covid-19 khi vào Việt Nam của chuyên gia người nước ngoài được coi là lợi ích của người lao động và được tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.

Công văn 97748/CT-TTHT ngày 10/11/2020 của Cục thuế TP Hà Nội

Trường hợp doanh nghiệp trong đợt dịch covid-19 có phát sinh các khoản chi phí cách ly cho chuyên gia nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam thực hiện cách ly theo quy định của pháp luật mà các khoản chi có nội dung ghi rõ tên cá nhân hưởng thì được tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của nhân viên này. Các chi phí này đồng thời cũng được coi là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nếu đây là khoản chi có tính chất phúc lợi không vượt quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, chúng tôi xin lưu ý vẫn còn có các cơ quan thuế địa phương khác có quan điểm xử lý riêng về các nội dung chi phí như nêu trên. Do vậy, doanh nghiệp cần tiến hành phân loại chi tiết các khoản chi phí cách ly phát sinh để cân nhắc áp dụng các xử lý về thuế phù hợp theo quy định, giảm thiểu rủi ro bị truy thu thuế.

6. Công văn số 99066/CTHN-TTHT về ngày lập hóa đơn điện tử

Ngày 13/11/2020, Cục thuế TP Hà Nội ban hành Công văn số 99066/CTHN-TTHT trả lời về ngày lập hóa đơn điện tử. Cụ thể, trong thời gian đến ngày 30/6/2022 khi nghị định 123/2020/NĐ-CP đi vào hiệu lực, các quy định khác về hóa đơn vẫn còn hiệu lực. Do vậy, theo quy định hiện hành, hóa đơn điện tử phải có đầy đủ các nội dung bắt buộc (bao gồm cả chữ ký điện tử của người bán) để được xác định là hóa đơn hợp pháp. Trường hợp này ký hóa đơn thực hiện sau ngày lập hóa đơn điện tử thì Công ty phải căn cứ vào ngày lập hóa đơn điện tử để xác định nghĩa vụ kê khai, nộp thuế và hạch toán theo quy định.