article banner
Bản tin Thuế

Cập nhật các văn bản quy định pháp luật mới và một số chính sách quan trọng về thuế

Trong bản tin này, Grant Thornton Việt Nam xin được cập nhật tới Quý khách hàng các chính sách pháp luật quan trọng vừa được ban hành trong thời gian qua.

1. Nghị quyết 149/NQ-CP của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 9 năm 2020

Ngày 10/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 149/NQ-CP trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2020. Theo Nghị quyết 149, Chính phủ đã thống nhất nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có đề nghị của Bộ tài chính về việc báo cáo Quốc hội cho phép coi các khoản đóng góp, ủng hộ trong các hoạt động chống dịch Covid-19 là khoản chi phí hợp lý được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về nội dung này.

2. Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ và thời hạn áp dụng hóa đơn điện tử

Ngày 19/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng hóa đơn, chứng từ. Nghị định 123 có hiệu lực từ ngày 01/07/2022.

Trong đó, một số nội dung đáng chú ý của Nghị định 123 như sau:

  • Bãi bỏ khoản 2 và khoản 4 Điều 35 Nghị định 119/2018/NĐ-CP ngày 12/09/2018 của CP quy định về hóa đơn điện tử kể từ ngày 01/11/2020 liên quan đến việc áp dụng hóa đơn bắt buộc từ 1/11/2020. Nội dung này đã được sửa đổi thống nhất với quy định về triển khai áp dụng hóa đơn điện tử bắt buộc tại Luật quản lý thuế mới, theo đó, khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng hóa đơn điện tử trước ngày 01/07/2022. Từ ngày 01/07/2022, thực hiện theo quy định tại Nghị định 123.
  • Trường hợp doanh nghiệp đã thông báo phát hành hoá đơn tự in, đặt in, đã mua hóa đơn của cơ quan thuế trước thời điểm Nghị định số 123/2020/NĐ-CP có hiệu lực thì được phép tiếp tục sử dụng hoá đơn này cho đến hết ngày 30/06/2022 (có thể bao gồm cả trường hợp phát hành mới) theo các quy định về hóa đơn chứng từ hiện hành như Nghị định 51/2010/NĐ-CP, Nghị định 04/2014/NĐ-CP.

Một số hướng dẫn khác liên quan:

  • Theo một số hướng dẫn cũng như trao đổi gần đây của các cục thuế địa phương (như Cục thuế Hà Nội, TP HCM) trường hợp trước thời điểm 01/07/2022, doanh nghiệp đã bắt đầu sử dụng hóa đơn điện tử nhưng vẫn còn hóa đơn giấy đặt in, tự in… đã thông báo phát hành theo quy định tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP và có nhu cầu tiếp tục sử dụng hóa đơn giấy tự in, đặt in thì doanh nghiệp được tiếp tục sử dụng song song các hóa đơn giấy đã thông báo phát hành cùng với hóa đơn điện tử. Với mỗi lần bán hàng hóa dịch vụ, doanh nghiệp chỉ sử dụng một hình thức hóa đơn.
  • Theo trao đổi của Cục thuế TP HCM, trường hợp doanh nghiệp khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ vừa có hoạt động bán hàng trong nước vừa có hoạt động xuất khẩu ra nước ngoài thì khi phát sinh hoạt động xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, Công ty sử dụng Hóa đơn thương mại theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Thông tư số 119/2014/TT-BTC để thực hiện thủ tục, hồ sơ hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu theo quy định. Hóa đơn thương mại không thuộc các loại hóa đơn điện tử theo quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Quản lý Thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/06/2019.

Mặc dù vậy, doanh nghiệp nên lưu ý trao đổi trước với cơ quan thuế địa phương trực tiếp quản lý đơn vị để có hướng dẫn phù hợp nhất trước khi thực hiện.

3. Nghị định 125/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn

Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ đã chính thức được ban hành thay thế các quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thuế và hóa đơn trừ một số trường hợp cụ thể. Nghị định 125 chính thức có hiệu lực từ ngày 05/12/2020.

Một số điểm đáng lưu ý chính tại Nghị định 125 như sau:

- Bổ sung một số trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn (như vi phạm hành chính phát sinh do sự cố kỹ thuật công nghệ thông tin, do thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan thuế, hay trong trường hợp người nộp thuế đã tự giác phát hiện, kê khai bổ sung và nộp đủ tiền thuế phát sinh, v.v..).

- Nâng mức phạt tối đa trong một số khung hình phạt vi phạm hành chính (như nộp hồ sơ kê khai thuế quá quy định) so với mức cũ. Ví dụ, đối với khung hình phạt vi phạm hành chính về vi phạm nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định, theo quy định cũ, mức phạt từ 2.000.000 đồng đến tối đa 5.000.000 đồng. Tuy nhiên theo Nghị định 125, mức phạt mới là từ 8.000.000 đến 15.000.000 đồng.

- Vi phạm hành chính với số tiền thuế (số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn hoặc số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn cao hơn) từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc giá trị hàng hóa, dịch vụ từ 500.000.000 đồng trở lên được xác định là vi phạm hành chính về thuế có quy mô lớn (tình tiết tăng nặng).

- Vi phạm hành chính từ 10 số hóa đơn trở lên được xác định là vi phạm hành chính về hóa đơn có quy mô lớn (tình tiết tăng nặng).

- Bãi bỏ một số quy định trước đây:

  • Chương I và Chương III Nghị định số 129/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013;
  • Khoản 2 Điều 4 Chương 1, Chương 4, Điều 44 Chương 5 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ;
  • Điều 3 Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27/05/2016 của Chính phủ
  • Thông tư số 166/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013
  • Thông tư số 10/2014/TT-BTC ngày 17/01/2014
  • Thông tư số 176/2016/TT-BTC ngày 31/10/2016 của Bộ Tài chính.

- Trường hợp hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thực hiện trước ngày Nghị định này có hiệu lực nhưng hành vi vi phạm đó kết thúc kể từ khi Nghị định này có hiệu lực thì áp dụng quy định tại văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn có hiệu lực tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm đó.

- Các quy định về xử phạt tại Chương I, II, III Nghị định này, quy định về hoãn, miễn thi hành quyết định xử phạt có lợi cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn được áp dụng đối với hành vi xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết.

4. Nghị định 126/2020/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý thuế

Ngày 19/10/2020, Chính phủ đã chính thức được ban hành Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật quản lý thuế năm 2019, áp dụng đối với việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước, trừ nội dung quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, áp dụng hóa đơn, chứng từ, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về thuế và hóa đơn, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. Nghị định này chính thức có hiệu lực từ ngày 05/12/2020. Tuy nhiên, chính sách miễn, giảm, xóa nợ thuế tại Nghị định này được áp dụng từ 01/07/2020.

Theo đó, một số điểm đáng lưu ý tại Nghị định 126 như sau:

  • Một số trường hợp được miễn nộp hồ sơ khai thuế như đơn vị chỉ có hoạt động kinh doanh thuộc diện không chịu thuế, cá nhân có thu nhập được miễn thuế; đơn vị tạm ngừng hoạt động kinh doanh, đã đóng mã số thuế, DNCX chỉ có hoạt động xuất khẩu thì không phải nộp hồ sơ khai thuế GTGT.

- Người nộp thuế được nộp hồ sơ khai bổ sung cho từng hồ sơ khai thuế có sai sót:

  • Trong trường hợp khai bổ sung không làm thay đổi nghĩa vụ thuế: Chỉ phải nộp Bản giải trình khai bổ sung, không phải nộp tờ khai bổ sung.
  • Trong trường hợp chưa nộp tờ khai quyết toán thuế năm: khai bổ sung hồ sơ tháng, quý.
  • Trong trường hợp đã nộp tờ khai quyết toán thuế năm: chỉ khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế năm (trừ trường hợp khai bổ sung tờ khai quyết toán thuế Thu nhập cá nhân đối với đơn vị chi trả thu nhập thì đồng thời phải khai bổ sung tờ khai tháng, quý có sai, sót tương ứng).
  • Trong trường hợp khai bổ sung chỉ làm tăng hoặc giảm số thuế GTGT còn được khấu trừ chuyển kỳ sau thì phải kê khai vào kỳ tính thuế hiện tại.
  • Người nộp thuế chỉ được khai bổ sung tăng số thuế GTGT đề nghị hoàn khi chưa nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế tiếp theo và chưa nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế.

- Nghị định 126 cũng quy định chi tiết cụ thể về kỳ kê khai cho từng sắc thuế, loại thuế và điều kiện áp dụng. Theo đó, người nộp thuế đáp ứng tiêu chí khai thuế theo quý được lựa chọn khai thuế theo tháng hoặc quý ổn định trọn năm dương lịch.

5. Quyết định 1215/QĐ-TCT về việc sửa đổi, bổ sung quy trình kiểm tra thuế

Ngày 03/09/2020, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 1215/QĐ-TCT về việc sửa đổi, bổ sung quy trình kiểm tra thuế. Trong đó có một số nội dung chính sau:

  • Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phân tích mức độ rủi ro thuế để lên kế hoạch kiểm tra và giám sát và trong quá trình kiểm tra hồ sơ khai thuế.
  • Hồ sơ khai thuế tháng, quý: thực hiện kiểm tra 100% hồ sơ khai thuế. 
  • Tập trung kiểm tra hồ sơ khai thuế, quyết toán thuế năm 2019 và các năm chưa được thanh tra, kiểm tra.
  • Người nộp thuế có thể gửi thông tin, tài liệu và văn bản giải trình thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế bên cạnh những hình thức trước đây như gửi qua địa chỉ email, bưu điện hoặc trực tiếp đến làm việc tại trụ sở cơ quan thuế. Văn bản giải trình của người nộp thuế phải có chữ ký số theo quy định.
  • Tổ kiểm tra gửi thông báo giải trình, bổ sung thông tin tài liệu cho người nộp thuế bằng hình thức: Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế; địa chỉ email ngành thuế; đồng thời liên lạc với người nộp thuế qua số điện thoại liên hệ đã đăng ký để thông báo và xác nhận kết quả gửi văn bản, thông tin, tài liệu.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 03/09/2020.

6. Công văn số 12452/BTC-TCT trả lời về chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp

Ngày 09/10/2020, Bộ Tài chính ban hành Công văn 12452/BTC-TCT trả lời về chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp liên quan tới tài sản cố định tạm dừng sử dụng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cụ thể, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn tới nhu cầu thị trường sụt giảm, doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm dừng hoạt động một số tài sản cố định dưới 9 tháng trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020, sau đó tài sản cố định tiếp tục đưa vào phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì thuộc trường hợp tạm thời dừng do sản xuất theo mùa vụ quy định. Theo đó, chi phí khấu hao TSCĐ trong thời gian tạm tạm dừng sử dụng được tính vào chi phí được trừ cho mục đích thuế TNDN.

7. Công văn 4590/TCT-DNNCN về chính sách giảm trừ gia cảnh

Ngày 28/10/2020, Tổng cục thuế ban hành Công văn số 4590/TCT-DNNCN về việc kê khai mức giảm trừ gia cảnh thuế TNCN của chuyên gia nước ngoài có năm tính thuế TNCN đầu tiên vắt qua hai năm dương lịch. Cụ thể, trường hợp cá nhân người nộp thuế là chuyên gia người nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam là cá nhân cư trú, khi quyết toán thuế năm đầu tiên (từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2020) thì thời gian từ tháng 7/2019 đến tháng 12/2019 áp dụng mức gia cảnh 9trđ/tháng (cho bản thân) và 3,6trđ/tháng (cho người phụ thuộc). Từ tháng 1/2020 đến tháng 6/2020 thì áp dụng mức mới là 11trđ/tháng (cho bản thân) và 4,4trđ/tháng (cho người phụ thuộc).