article banner
Bản tin Thuế

Cập nhật các văn bản quy định pháp luật mới và một số chính sách quan trọng về thuế

Việt Nam đang triển khai quyết liệt việc ban hành và thực thi các cơ chế chính sách, bao gồm các chính sách giảm thuế, giãn thuế nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn cũng như cải thiện môi trường kinh doanh trong nước để đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Trong bản tin này, Grant Thornton Việt Nam xin được cập nhật tới Quý khách hàng các chính sách pháp luật quan trọng vừa được ban hành trong thời gian qua.

1. Nghị quyết 124/NQ-CP của Chính phủ ban hành chương trình hành động của chính phủ thực hiện định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia 

Ngày 03/09/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó:

  • Chính phủ đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30%, trong đó công nghệ chế tạo đạt trên 20%. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân trên 10%/năm.
  • Nhằm đạt được mục tiêu, Chính phủ giao nhiệm vụ cho các cơ quan như Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, v.v.. xây dựng các chính sách ưu đãi đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm theo ngành, lĩnh vực, gắn với đóng góp của doanh nghiệp. Theo đó các chính sách ưu đãi được ban hành theo nguyên tắc mức độ và thời gian ưu đãi của các dự án FDI sẽ phụ thuộc vào mức độ tạo ra giá trị gia tăng trong nước và các chế tài kèm theo. Đồng thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi thuế cho các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển.
  • Ngoài ra, trong giai đoạn 2021-2025, Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan dự kiến cũng sẽ sửa đổi bổ sung một số Luật quan trọng như Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Thuế giá trị gia tăng, cũng như xây dựng mới Luật Thuế tài sản, v.v..

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày ký.

2. Nghị định 114/2020/NĐ-CP quy đinh chi tiết thi hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội về giảm 30% thuế TNDN phải nộp của năm 2020

Ngày 25/09/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 114/2020/NĐ-CP quy đinh thi hành nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”) phải nộp của năm 2020. Một số nội dung chính của Nghị định 114 như sau:

  • Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng.
  • Tổng doanh thu năm 2020 làm căn cứ xác định đối tượng áp dụng được giảm thuế là tổng doanh thu trong kỳ tính thuế TNDN năm 2020 của doanh nghiệp bao gồm toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ kể cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành, bao gồm cả các khoản thu nhập khác theo quy định như thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, v.v..
  • Trường hợp doanh nghiệp dự kiến tổng doanh thu trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 không quá 200 tỷ đồng thì doanh nghiệp xác định tạm nộp hàng quý bằng 70% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của quý.
  • Trường hợp doanh nghiệp áp dụng năm tài chính khác với năm dương lịch thì kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp xác định theo năm tài chính áp dụng quy định tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đối với nội dung này Quý doanh nghiệp cần lưu ý theo dõi các hướng dẫn tiếp theo của Bộ Tài chính/Tổng cục thuế để xác định chính xác số thuế được giảm phù hợp trong năm 2020 đối với từng trường hợp cụ thể.

3. Nghị định 109/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất trong nước

Ngày 15/09/2020, Chính phủ đã ban hành nghị định 109/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất trong nước, cụ thể:

- Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6, tháng 7, tháng 8, tháng 9 và tháng 10 năm 2020 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. 

  • Gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 3 năm 2020 chậm nhất là ngày 20 tháng 9 năm 2020.
  • Gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 4 năm 2020 chậm nhất là ngày 20 tháng 10 năm 2020.
  • Gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 5 năm 2020 chậm nhất là ngày 20 tháng 11 năm 2020.
  • Gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế từ tháng 6 tới tháng 10 năm 2020 chậm nhất là ngày 20 tháng 12 năm 2020.

- Người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn vẫn thực hiện kê khai theo quy định nhưng chưa phải nộp số thuế TTĐB phát sinh. Người nộp thuế gửi Giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế hoặc muộn nhất không quá ngày 30/09/2020.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/09/2020.

4. Thuế GTGT đối với dịch vụ gia công do DNCX cung cấp cho doanh nghiệp nội địa

Liên quan tới hoạt động cung cấp dịch vụ gia công của DNCX cho doanh nghiệp nội địa, gần đây có một số hướng dẫn ban hành bởi Tổng cục thuế và các cơ quan thuế địa phương về vấn đề này, cụ thể như sau:

Công văn 3231/TCT-CS ngày 10/08/2020 của Tổng cục thuế

Nếu hoạt động gia công của DNCX không thuộc hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam thì doanh nghiệp nội địa làm thủ tục hải quan theo quy định và được coi là trường hợp đặt gia công hàng hóa ở nước ngoài. DNCX sử dụng hóa đơn bán hàng khi nhận tiền gia công, trên hóa đơn ghi rõ “Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan” theo quy định hiện hành.

Các Công văn 81739/CT-TTHT và 81740/CT-TTHT của Cục thuế Hà Nội

Trường hợp Công ty là doanh nghiệp chế xuất ký hợp đồng nhận gia công cho doanh nghiệp nội địa thì đơn vị phải được cấp phép hoạt động gia công với doanh nghiệp nội địa. Các Hoạt động này thuộc đối tượng chịu thuế GTGT. Công ty phải hạch toán riêng và đăng ký thuế với cơ quan thuế để kê khai nộp thuế GTGT riêng. Các hướng dẫn này không làm rõ các trường hợp phát sinh có làm thủ tục hải quan đặt gia công hay không.

Do các quy định về vấn đề này hiện còn chưa thật sự rõ ràng, để quản trị hiệu quả các rủi ro thuế có thể phát sinh, chúng tôi khuyến nghị quý doanh nghiệp nếu có vướng mắc gì trong quá trình thực hiện, xin vui lòng liên hệ Grant Thornton để được tư vấn thêm.

5. Một số công văn hướng dẫn về đăng ký người phụ thuộc và mức giảm trừ gia cảnh mới trong năm 2020

Ngày 12/08/2020, Cục thuế tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Công văn số 2455/CT-TTHT về mức giảm trừ gia cảnh mới của Luật thuế TNCN theo Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14, cụ thể:

  • Đối với trường hợp Công ty thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân thay cho người nộp thuế kết thúc hợp đồng để về nước vào tháng 7/2020 và người nộp thuế có kỳ quyết toán thuế vắt từ 2019 sang kỳ thuế 2020 thì mức giảm trừ gia cảnh từ tháng 1/2020 trở đi được xác định theo quy định tại Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 là VND11.000.000/ tháng và VND4.400.000/tháng/người phụ thuộc
  • Trường hợp hệ thống hỗ trợ khai thuế chưa cập nhật, nâng cấp được chương trình khi lập hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân theo mức giảm trừ gia cảnh mới theo quy định tại Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 thì Công ty nộp quyết toán bản giấy đến Cơ quan Thuế Quản lý. Chúng tôi được biết một số cơ quan thuế địa phương khác, qua trao đổi, cũng có quan điểm đồng ý với việc doanh nghiệp nộp quyết toán bản giấy cho cơ quan thuế trong giai đoạn phần mềm hỗ trợ kê khai chưa được cập nhật tương ứng.

Cũng liên quan đến vấn đề quyết toán TNCN vắt năm của người nước ngoài, Cục thuế Đồng Nai có công văn hướng dẫn số 7950/CT-TTHT ngày 24/8/2020, theo đó:

  • Đối với năm tính thuế đầu tiên từ tháng 8 năm 2019 đến tháng 7 năm 2020, mức giảm trừ thực hiện theo quy định cũ tại Thông tư 111.
  • Đối với năm tính thuế thứ hai từ tháng 1 năm 2020 đến tháng 12 năm 2020: mức giảm trừ gia cảnh thực hiện theo quy định mới tại Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14.

Mặc dù vậy, do đây là các hướng dẫn của cục thuế địa phương nên Quý doanh nghiệp tùy theo từng địa bàn hoạt động cần lưu ý trao đổi với cục thuế địa phương quản lý trực tiếp trước khi thực hiện để giảm thiểu rủi ro khi kê khai nộp thuế.