article banner
Bản tin thuế

Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xã hội hóa

Hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xã hội hóa được phát triển như một kênh cung ứng hàng hóa và dịch vụ công. Các ưu đãi trong lĩnh vực xã hội hóa được xây dựng nhằm thu hút vốn đầu tư, bằng cách đảm bảo sự liên kết giữa hoạt động trong lĩnh vực xã hội hóa và lợi nhuận mang lại cho doanh nghiệp.

Theo Báo cáo nghiên cứu do Hội đồng Anh (British Council) công bố, năm 2018 có hơn 19.000 doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam. Trong đó, hơn 60% doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận, chỉ có 6% phá sản và 10% thua lỗ[1]. Những dữ liệu này cho thấy việc phát triển kinh doanh trong lĩnh vực xã hội hóa ở Việt Nam rõ ràng có tiềm năng rất lớn.

Trong bản tin này, Grant Thornton Việt Nam xin được trao đổi về ưu đãi thuế Thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”) đối với hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xã hội hóa, giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2020. Chúng tôi tin rằng bản tin này sẽ đưa ra một góc nhìn về phương diện ưu đãi thuế TNDN, làm cơ sở vững chắc cho các quyết định đầu tư trong lĩnh vực tiềm năng này.

Ưu đãi thuế TNDN đối với hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xã hội hóa

Theo quy định hiện hành[2], doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường, giám định tư pháp có thể hưởng mức ưu đãi thuế TNDN cao nhất hiện nay với thuế suất 10% trong suốt thời gian hoạt động. Thêm vào đó, ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế được áp dụng cho dự án đầu tư mới như sau:

  • Miễn thuế 4 năm và thuế suất TNDN 5% trong 9 năm tiếp theo, áp dụng cho dự án đầu tư mới thực hiện tại khu vực thuộc danh mục địa bàn ưu đãi
  • Miễn thuế 4 năm và thuế suất TNDN 5% trong 5 năm tiếp theo, áp dụng cho dự án đầu tư mới thực hiện tại khu vực không thuộc danh mục địa bàn ưu đãi

Ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế được áp dụng cho doanh nghiệp từ năm đầu tiên doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế từ lĩnh vực ưu đãi. Tuy nhiên, trường hợp doanh nghiệp không có thu nhập chịu thuế trong ba năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu từ lĩnh vực ưu đãi thì thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư.

Thêm vào đó, phần thu nhập không chia được để lại để đầu tư phát triển theo quy định của luật chuyên ngành áp dụng cho từng lĩnh vực xã hội hóa được xem là thu nhập miễn thuế.

So với các quy định được áp dụng đến tháng 8/2014[3], có (03) nội dung bổ sung đáng chú ý sau:

  • Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới được thay thế cho doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư khi xác định tiêu chí hưởng ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế
  • Phần thu nhập không chia để lại tái đầu tư cho hoạt động của công ty được miễn thuế
  • Giám định tư pháp được xem là hoạt động xã hội hóa

Điều kiện hưởng ưu đãi thuế TNDN

Nghị định 69[4] quy định chính sách của Chính phủ về việc khuyến khích phát triển xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường và giám định tư pháp. Theo sau đó là ba (03) quyết định liệt kê bên dưới, được ban hành hướng dẫn chi tiết về cơ sở vật chất, tiêu chuẩn vận hành, quy mô hoạt động, v.v…Tuy nhiên, 7 lĩnh vực xã hội hóa này được quản lý và giám sát bởi các cơ quan chức năng riêng biệt. Do đó, để đáp ứng đủ điều kiện là hoạt động kinh doanh lĩnh vực xã hội hóa, bên cạnh việc hoạt động theo quy định trong lĩnh xã hội hóa nói chung, doanh nghiệp phải đảm bảo tuân thủ các quy định cụ thể của từng ngành nghề/lĩnh vực cũng như các quy định riêng về mặt kỹ thuật (nếu có).

              Quy định

Lĩnh vực

Quyết định 1466[5]

(hiệu lực từ

ngày 07/11/2008)

Quyết định 693[6]

(hiệu lực từ

ngày 06/05/2013)

Quyết định 1470[7]

(hiệu lực từ

ngày 22/07/2016)

Giáo dục – đào tạo

x

x

x

Dạy nghề

x

x

 

Y tế

x

x

x

Văn hóa

x

x

 

Thể thao

x

 

 

Môi trường

x

x

 

Riêng đối với hoạt động giám định tư pháp, mặc dù hoạt động này đã được liệt kê trong danh sách lĩnh vực xã hội hóa tại Thông tư 156[8] có hiệu lực từ ngày 15/12/2014. Đến thời điểm hiện tại chưa có hướng dẫn cụ thể về phạm vi hoạt động cũng như những yêu cầu/điều kiện đối với tổ chức phi chính phủ khi hoạt động trong lĩnh vực này. Thêm vào đó, về khía cạnh thuế, hoạt động giám định tư pháp được áp dụng toàn bộ các ưu đãi thuế TNDN từ năm tính thuế 2015, trong khi từ ngày 02/08/2014 chỉ được hưởng một phần của ưu đãi thuế TNDN, phần miễn thuế đối với phần thu nhập không chia để lại tái đầu tư.

Trường hợp dự án đầu tư mới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường không đủ điều kiện đươc xem là lĩnh vực xã hội hóa, thì có thể áp dụng ưu đãi thuế TNDN với mức thuế 10% trong 15 năm.

Những điểm cần lưu ý về yêu cầu tuân thủ thuế

Chúng tôi liệt kê 2 điểm đáng chú ý trong quá trình ghi nhận giao dịch tài chính của doanh nghiệp:

  • Ghi nhận thiếu thông tin nghiệp vụ kế toán là cơ sở để đánh giá sự không tuân thủ Chuẩn mực kế toán Việt Nam ("VAS"). Cơ quan quản lý thuế có thể xem việc không tuân thủ VAS là cơ sở để đánh giá lại và/hoặc không công nhận ưu đãi thuế TNDN.
  • Doanh nghiệp phải hạch toán riêng thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập từ hoạt động kinh doanh không được hưởng ưu đãi thuế (nếu có). Trường hợp không hạch toán riêng được, thu nhập chịu thuế được xác định bằng tỷ lệ phần trăm (%) doanh thu hoặc chi phí được trừ của hoạt động sản xuất kinh doanh hưởng ưu đãi thuế trên tổng doanh thu hoặc chi phí được trừ của doanh nghiệp.

Mặc dù được thu hút bởi ưu đãi thuế TNDN đối với hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xã hội hóa tại Việt Nam, đa số các nhà đầu tư gặp không ít khó khăn và thách thức do không nắm rõ hết các quy định của hệ thống pháp luật cũng như các thủ tục hành chính cần tuân thủ. Đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định và được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực xã hội hóa là điều kiện tiên quyết. Tuy nhiên, nếu một dự án đầu tư không đáp ứng các điều kiện về ưu đãi đầu tư trong một khoảng thời gian nhất định, ưu đãi trong thời gian đó có thể bị bãi bỏ. Do đó, từ khía cạnh về thuế, các điều kiện về ưu đãi nên được xem xét hàng năm để đảm bảo tính tuân thủ cũng như đánh giá các rủi ro có thể phát sinh. Việc sử dụng dịch vụ xoát sét chuyên nghiệp của một bên thứ ba nên được cân nhắc là một phương thức hiệu quả trong tình huống này.

Nội dung loại trừ

Bản tin cung cấp các đánh giá chung dựa trên quy định và pháp luật Việt Nam hiện hành có hiệu lực tại thời điểm phát hành. Đối với từng trường hợp cụ thể, độc giả nên liên hệ với các chuyên gia tư vấn về các nội dung liên quan trong bản tin này.

[1] Báo cáo nghiên cứu hiện trạng Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam được đăng vào tháng 3/2019,  Hội đồng Anh (British Council), được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, được hỗ trợ bởi Ủy hội Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương (ESCAP),  Hội doanh nghiệp xã hội Anh Quốc

[2] Luật thuế TNDN 14/2008/QH12, có hiệu lực từ ngày 01/01/2009; Luật thuế TNDN sửa đổi bổ sung, có hiệu lực từ ngày 01/04/2014; Nghị định 218/2013/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 15/02/2014; Thông tư 78/2014/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 02/08/2014; Thông tư 96/2015/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 06/08/2015

[3] Luật thuế TNDN 14/2008/QH12, có hiệu lực từ ngày 01/01/2009; Nghị định 124/2008/NĐ-CP hiệu lực từ ngày 01/01/2009 đến 15/02/2014; Nghị định 122/2011/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/03/2012 đến 15/02/2014; Thông tư 130/2008/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 18/01/2009 đến 10/09/2012; Thông tư 123/2012/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 10/09/2012 đến 02/08/2014

[4] Nghị định 69/2008/ND-CP có hiệu lực từ ngày 24/06//2008

[5] Quyết định 1466/QD-TTg, có hiệu lực từ ngày 07/11/2008

[6] Quyết định 693/QD-TTg, có hiệu lực từ ngày 06/05/2013

[7] Quyết định 1470/QD-TTg, có hiệu lực từ ngày 22/07/2016

[8] Thông tư 156/2014/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 15/12/2014