banner image
Góc báo chí

Báo cáo Kinh doanh Quốc tế (“IBR”) - 6 tháng cuối năm 2021

Báo cáo Kinh doanh Quốc tế của Grant Thornton, được khảo sát trên 10,000 lãnh đạo các doanh nghiệp ở thị trường tầm trung tại hơn 29 nền kinh tế cho thấy, mặc dù kinh tế lạc quan trái chiều, ASEAN vẫn ghi nhận đạt mức cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào năm 2011 và theo báo cáo Việt Nam có 80% doanh nghiệp thể hiện lạc quan, đứng vị trí thứ 3 thế giới và đứng thứ nhất trong ASEAN.

Trên toàn cầu, báo cáo cho thấy rằng bất ổn kinh tế đã giảm từ nửa đầu năm 2021, thông qua việc giảm bớt "thủ tục" và nới lỏng các quy định cản trở kinh doanh. Tuy nhiên, một số trở ngại lớn vẫn tồn tại ở một số khu vực như tăng giá năng lượng và nguồn lao động có tay nghề cao toàn cầu. Các doanh nghiệp tại Việt Nam không quá lo ngại đến hai vấn đề này, thực tế chỉ có dưới 50% doanh nghiệp cho rằng đây là vấn đề trở ngại.

Khu vực ASEAN được ghi nhận chỉ số kỳ vọng về doanh thu và lợi nhuận cao hơn nhiều khi so sánh với kết quả toàn cầu với mức tăng 14 và 11 điểm phần trăm trong nửa đầu năm 2021. Việt Nam đứng thứ 2 về kỳ vọng doanh thu với 82% số người tham gia khảo sát kỳ vọng doanh thu tăng vào năm 2022.

Trong khu vực ASEAN, chỉ số kỳ vọng xuất khẩu tăng 18 điểm phần trăm, một lần nữa cao hơn mức trung bình toàn cầu. Điều này phù hợp với thực tế khá nhiều công ty trong ASEAN đang mong đợi xuất khẩu sang các thị trường mới tăng 16 điểm phần trăm lên 53%. Tại Việt Nam, 65% doanh nghiệp kỳ vọng tăng xuất khẩu vào năm 2022 và 61% dự kiến bán hàng vào các thị trường mới, chỉ số này xếp số 2 ASEAN và thứ 4 trên toàn cầu.

Kỳ vọng đầu tư của ASEAN tăng đáng kể so với nửa đầu năm 2021, với 64% doanh nghiệp mong muốn đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, và 65% đầu tư vào công nghệ. Việt Nam xếp hạng khá cao trong cả hai lĩnh vực này và một điều ngạc nhiên là 77% doanh nghiệp mong đợi đầu tư vào nghiên cứu và phát triển trong năm mới 2022 (số 1 trên toàn cầu) và 73% vào công nghệ. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng rất quan tâm vấn đề bảo mật công nghệ thông tin, với 44% doanh nghiệp cho biết họ đã đầu tư vào bảo mật công nghệ thông tin. Sự gia tăng nhanh chóng của thương mại điện tử một phần do Covid thúc đẩy, 47% các công ty cũng đã đầu tư vào hệ thống đặt hàng và thanh toán trực tuyến. Ngoài ra, tối ưu hóa vận hành và tối ưu hóa bán hàng là hai lĩnh vực được nhiều công ty đầu tư vào.

Tại Việt Nam, 76% doanh nghiệp bị giảm doanh thu trong giai đoạn giãn cách giữa năm 2021, trong đó 38% doanh nghiệp giảm từ 10-50%. Về việc khôi phục lại hoạt động kinh doanh sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch Covid, 60% doanh nghiệp cho rằng thách thức lớn nhất là dòng tiền và không có đơn hàng, 28% cho rằng vấn đề nằm ở chuỗi cung ứng.

Việc đầu tư vào phần mềm hoạch định nguồn lực doanh nghiệp cũng rất phổ biến, thực tế có 91% doanh nghiệp đã đầu tư vào, 44% đầu tư vào các hệ thống SAP / MS / Oracle và 43% đầu tư vào các hệ thống được phát triển trong nước.

Theo báo cáo, 45% doanh nghiệp tại Việt Nam có kết quả hoạt động kinh doanh tốt hơn trong năm 2021 so với năm 2020 và 21% không có thay đổi, một điều chắc chắn là kỳ vọng kinh doanh tích cực trong năm 2022.

- HẾT -

Để liên hệ giải đáp các thắc mắc liên quan đến bài viết, xin vui lòng gửi email đến địa chỉ grant.thornton@vn.gt.com. Chúng tôi rất hân hạnh được hỗ trợ.

 

 

 

Sao chép nội dung