Tác giả

Trinh Thi Tuyet Anh
Trinh Thi Tuyet Anh
Giám đốc bộ phận Phát triển kinh doanh

Mức độ lạc quan kinh tế và sự bất ổn 

Khảo sát mới nhất trong khuôn khổ Báo cáo Kinh doanh Quốc tế (IBR) của Grant Thornton cho thấy mức độ lạc quan của các doanh nghiệp tầm trung trên toàn cầu về triển vọng kinh tế 12 tháng tới đã suy giảm, với 71% lãnh đạo doanh nghiệp bày tỏ sự lạc quan (giảm 2 điểm so với quý 1/2025). Trong khi đó, các doanh nghiệp tầm trung tại Việt Nam thể hiện sự lạc quan vượt trội giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động. Cụ thể, 83% lãnh đạo doanh nghiệp ở Việt Nam cho biết họ lạc quan về triển vọng kinh tế năm tới so với 79% của quý trước.

Mức độ lạc quan về triển vọng kinh tế 12 tháng tới trong khối doanh nghiệp tầm trung

Image

Tuy nhiên, mức độ lạc quan này chưa được phản ánh trong kế hoạch mở rộng quốc tế. Theo kết quả báo cáo, các chỉ số về chiến lược kinh doanh xuyên biên giới đều giảm mạnh trong quý này. Điều này cho thấy xu hướng thận trọng hơn đối với việc mở rộng hoạt động kinh doanh quốc tế, đồng thời tập trung phát triển thị trường nội địa.

Chiến lược toàn cầu: Áp lực thương mại ảnh hưởng đến triển vọng quốc tế

Tâm lý quan ngại lan rộng đang gây ảnh hưởng đến kỳ vọng mở rộng quốc tế trong cộng đồng doanh nghiệp tầm trung toàn cầu. Tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến gia tăng xuất khẩu giảm 3 điểm xuống còn 50%. Tại Việt Nam, mức sụt giảm còn sâu hơn: chỉ 37% doanh nghiệp kỳ vọng đẩy mạnh xuất khẩu trong năm tới, giảm mạnh so với mức 60% của quý trước. Trên toàn cầu, tỷ lệ doanh nghiệp kỳ vọng tăng doanh thu từ thị trường nước ngoài cũng giảm 4 điểm xuống 48%, còn Việt Nam giảm từ 55% xuống 44%.

Doanh nghiệp Việt Nam đang trở nên thận trọng hơn trước tác động của một trong những đợt căng thẳng thương mại nghiêm trọng nhất những năm gần đây. Đầu năm 2025, Hoa Kỳ cân nhắc áp mức thuế lên tới 46% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam do lo ngại về vấn đề trung chuyển hàng hóa (transshipment). Điều này này đã khiến doanh nghiệp xuất khẩu phản ứng theo nhiều cách khác nhau: tạm dừng hoạt động quốc tế, lên kế hoạch đa dạng hóa thị trường hoặc chuyển hướng sang các thị trường đáng tin cậy hơn. Chiến lược chuỗi cung ứng cũng bị ảnh hưởng đáng kể: chỉ 26% doanh nghiệp Việt Nam cho biết sẽ tăng sử dụng nhà cung cấp nước ngoài, giảm mạnh từ 41% quý trước và thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu (41%). Xu hướng này phản ánh nỗ lực chủ động giảm thiểu rủi ro thương mại và phù hợp với định hướng của Chính phủ trong việc đẩy mạnh gia tăng giá trị nội địa hóa trong sản xuất và nâng cao khả năng tự chủ chuỗi cung ứng.

Sau một loạt diễn biến căng thẳng, những cuộc đàm phán cấp cao giữa hai Chính phủ đã dẫn đến kết quả tích cực hơn, với mức thuế phổ thông được giới hạn ở 20% và mức 40% áp dụng cho hàng hóa bị xác định là chuyển tải. Kết quả này được kỳ vọng sẽ giúp ổn định lại tâm lý thị trường trong thời gian tới. 

Áp lực kinh doanh: Thận trọng toàn cầu và ổn định thị trường nội địa

Trên phạm vi toàn cầu, tỷ lệ doanh nghiệp quan ngại về bất ổn kinh tế tăng 6 điểm lên 61%. Lo lắng về rủi ro địa chính trị cũng tăng lên 6 điểm với mức cao mới 53%. Tỷ lệ chủ doanh nghiệp lo ngại về gián đoạn chuỗi cung ứng đạt mức 49%, cao nhất từ trước đến nay (tăng 1 điểm). Tỷ lệ doanh nghiệp lo lắng về việc thiếu đơn hàng trong tương lai cũng tăng lên mức cao nhất, đạt 50% (tăng 3 điểm phần trăm).

Trong khi đó, nỗi lo về các trở ngại kinh doanh trong các doanh nghiệp tầm trung tại Việt Nam ghi nhận những chuyển biến tích cực hơn. Tỷ lệ doanh nghiệp coi bất ổn kinh tế là mối lo chính đã giảm từ 70% xuống còn 57%. Lo ngại về khả năng thiếu hụt đơn hàng cũng giảm từ 58% xuống 52%. Quan ngại về rủi ro địa chính trị và đứt gãy chuỗi cung ứng cũng lần lượt giảm xuống còn 41% và 47%.

Kết quả khảo sát cho thấy, dù doanh nghiệp ở Việt Nam đang thận trọng hơn trong chiến lược quốc tế, họ đang dần cảm nhận sự ổn định từ môi trường nội địa—tín hiệu cho thấy hiệu ứng của tiến trình cải cách thể chế và hành chính đang được đẩy mạnh trong nước.

Chiến lược đầu tư nội tại: Điều chỉnh để thích nghi

Khi các nền kinh tế lớn đang tái cấu trúc chiến lược thương mại—từ việc ký kết hiệp định mới với Hoa Kỳ đến việc tìm kiếm các đối tác thay thế—doanh nghiệp tầm trung toàn cầu cũng đang tái kiến thiết lại định hướng đầu tư nội lực của mình, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Công nghệ thông tin tiếp tục là mảng được ưu tiên đầu tư, với 68% doanh nghiệp có kế hoạch tăng chi tiêu trong 12 tháng tới. Ngược lại, đầu tư vào nguồn nhân lực giảm 3 điểm còn 59%—lần đầu tiên ghi nhận sụt giảm trong hai năm trở lại đây. Điều này cho thấy gia tăng đầu tư vào AI và hạ tầng số đang ngày càng hướng tới mục tiêu tối ưu vận hành và kiểm soát chi phí.

Tại Việt Nam, doanh nghiệp cũng đang điều chỉnh theo xu hướng đó. Đầu tư cho thương hiệu được ưu tiên hàng đầu, với 77% doanh nghiệp dự kiến tăng chi tiêu—cao hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu (58%). Đầu tư vào công nghệ tiếp tục duy trì ở mức cao (63%), dù đã giảm so với quý trước (75%). Trong khi đó, đầu tư vào phát triển nhân lực đang chững lại, chỉ còn 46% doanh nghiệp có kế hoạch đào tạo hoặc nâng cao năng lực đội ngũ, giảm mạnh từ mức 66% của quý trước. Các con số trên cho thấy sự chuyển dịch rõ rệt trong tư duy đầu tư—từ ưu tiên phát triển con người sang tập trung cho số hóa và trí tuệ nhân tạo.