article banner
Bản tin thuế

Thông tư số 41/2017/TT-BTC

Trong nỗ lực hướng dẫn chi tiết việc thực hiện một số điều của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP (“Nghị định 20”) do Chính phủ ban hành ngày 24 tháng 02 năm 2017 quy định việc quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, ngày 28 tháng 04 năm 2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 41/2017/TT-BTC (“Thông tư”) có hiệu lực từ ngày 01 tháng 05 năm 2017.

Thông tư này hướng dẫn chi tiết việc thực hiện phân tích so sánh, phương pháp xác định giá giao dịch liên kết, kê khai và lập các hồ sơ xác định giá, và các trường hợp được miễn trừ kê khai và/hoặc lập bộ hồ sơ xác định giá của các giao dịch liên kết. Trong Bản tin này, Grant Thornton Việt Nam sẽ tóm tắt các hướng dẫn nổi bật của Thông tư để Quý Doanh nghiệp tham khảo.

Phân tích so sánh

Thông tư nhấn mạnh nội dung và thực tiễn kinh doanh được ưu tiên khi phân tích giao dịch liên kết, thuộc tính của doanh nghiệp và lựa chọn phương pháp xác định giá, đặc biệt trong trường hợp có khác biệt với hợp đồng hay các thỏa thuận về giao dịch liên kết. Trường hợp nội dung và thực tiễn kinh doanh không phù hợp với nguyên tắc giao dịch như giữa các bên độc lập, cơ quan thuế sẽ đánh giá lại bản chất giao dịch và phân bổ lại rủi ro phải chịu bởi các bên liên kết tham gia giao dịch theo nguyên tắc ứng xử kinh doanh giữa các bên độc lập.

Bên cạnh đó, Thông tư nêu rõ quy định điều chỉnh giá chuyển nhượng theo giá trị của giao dịch tương đồng nhất của biên độ chuẩn thị trường khi tất cả các khác biệt trọng yếu có thể điều chỉnh được, hoặc theo giá trị trung vị nếu có ít nhất năm (05) mẫu so sánh trong trường hợp chỉ hầu hết các khác biệt trọng yếu có thể điều chỉnh được.

Thông tư đã hướng dẫn cụ thể về các phân tích cần thực hiện khi lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết, bao gồm:

  • Phân tích về thuộc tính của hàng hóa, dịch vụ và tài sản được giao dịch, kể cả tài sản vô hình;
  • Phân tích về chức năng thực hiện, tài sản sử dụng, bao gồm cả tài sản vô hình, và rủi ro gánh chịu, thường được gọi tắt là “FAR”, bởi các bên liên kết. Từ đó, thuộc tính doanh nghiệp được phân tích cần được xác định nhằm giúp cơ quan thuế đánh giá được bản chất kinh doanh, giao dịch và phân bổ rủi ro gánh chịu như khi tiến hành các giao dịch độc lập;
  • Phân tích về điều khoản giao dịch được thỏa thuận, giao kết trên hợp đồng và trong thực tế kinh doanh, kể cả khi hợp đồng, thỏa thuận không tồn tại;
  • Phân tích về điều kiện kinh tế ảnh hưởng đến giá giao dịch, khả năng sinh lời, phân bổ lợi nhuận của đối tượng đóng thuế, tức là doanh nghiệp cần kiểm tra. Đáng chú ý, phân tích mức độ tương đồng về ngành, thị trường giữa đối tượng nộp thuế và các đối tượng tương đồng ngoài Việt Nam được lựa chọn để so sánh cũng cần được thực hiện; và
  • Phân tích về các khác biệt trọng yếu, dựa trên các tiêu chí định lượng và định tính được xây dựng bởi người nộp thuế, tức là các khác biệt có ảnh hưởng trọng yếu đến giá, khả năng sinh lời, phân bổ lợi nhuận để so sánh giữa đối tượng nộp thuế và các đối tượng được lựa chọn để so sánh.

Phương pháp xác định giá giao dịch liên kết

Thông tư quy định rõ điều kiện áp dụng các phương pháp Giá bán lại, Giá vốn cộng lãi, So sánh lợi nhuận thuần. Đồng thời, Thông tư cũng chỉ rõ các khác biệt trọng yếu có thể khiến cho việc áp dụng mỗi phương pháp gặp thất bại, như khác biệt về hạch toán kế toán, về các chi phí liên quan đến chức năng bán hàng tiếp thị, về việc sản xuất theo chỉ định hay trên cơ sở hợp đồng, về các dịch vụ nội bộ tập đoàn, bao gồm dịch vụ hợp lực và chuyên môn hóa tập trung, và các khác biệt khác.

Đặc biệt, về phương pháp So sánh lợi nhuận thuần, Thông tư quy định yêu cầu tỷ suất lợi nhuận cần được áp dụng để thực hiện so sánh theo phương pháp phổ biến này là Lợi nhuận trước lãi vay và thuế (EBIT), không bao gồm các khoản chênh lệnh thu nhập, chi phí tài chính, chia cho Doanh thu thuần, hoặc Chi phí hay Tổng chi phí, hoặc Tài sản hay Tổng tài sản cố định.

Kê khai và lập các hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết

Thông tư hướng dẫn chi tiết việc lập bốn (04) mẫu kê khai giao dịch liên kết, thay thế cho Mẫu kê khai 03-7/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC, và các hồ sơ xác định giá. Cụ thể bao gồm:

Mẫu 01 – Thông tin về bên liên kết và giao dịch liên kết;

Mẫu 02 – Danh sách thông tin về các nội dung của bộ hồ sơ xác định giá trong nước đã được lập;

Mẫu 03 – Danh sách thông tin về các nội dung của bộ hồ sơ xác định giá quốc tế đã được lập, bao gồm cấu trúc và các hoạt động của tập đoàn, chính sách của tập đoàn về phân bổ chức năng, tài sản và rủi ro (gọi tắt là “FAR”) trong nội bộ chuỗi cung ứng của tập đoàn và việc chia sẻ lợi nhuận tương ứng, các phương pháp xác định giá áp dụng trong tập đoàn hay xác định theo loại giao dịch liên kết, .v.v.; và

Mẫu 04 – Kê khai thông tin được ghi nhận trên báo cáo lợi nhuận xuyên quốc gia của công ty mẹ tối hậu cùng năm kê khai thuế hay năm liền kế trước đó. Đối tượng nộp thuế cần lưu giữ bản sao báo cáo lợi nhuận xuyên quốc gia của công ty mẹ tối hậu cho cùng năm kê khai thuế hay năm liền kề trước đó. Trường hợp, đối tượng nộp thuế có nhiều hơn một (01) công ty mẹ tối hậu, đối tượng nộp thuế cần lưu giữ tất cả các bản sao thông tin này.

Một số trường hợp được miễn trừ lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết

Thông tư chỉ rõ 03 trường hợp được miễn trừ lập hò sơ xác định giá giao dịch liên kết, bao gồm:

  1. Doanh nghiệp có tổng doanh thu trong năm tính thuế dưới 50 tỷ Đồng Việt Nam và tổng giá trị các giao dịch liên kết phát sinh dưới 30 tỷ Đồng Việt Nam.
  2. Doanh nghiệp đã ký kết với cơ quan thuế Thỏa thuận trước về Xác định giá tính thuế và thực hiện đầy đủ việc nộp các báo cáo thường niên theo quy định.
  3. Doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
    • Thực hiện chức năng đơn giản;
    • Không tham gia quá trình tạo ra các tài sản vô hình;
    • Có tổng doanh thu thấp hơn 200 tỷ Đồng Việt Nam; và
    • Đạt được tỷ lệ lợi nhuận, xác định bởi lợi nhuận trước thuế và lãi tiền vay, không bao gồm chênh lệch thu nhập và chi phí tài chính, chia cho tổng doanh thu thuần, ở mức 5% trở lên nếu là doanh nghiệp hoạt động phân phối, 10% trở lên nếu là doanh nghiệp hoạt động sản xuất, hay 15% trở lên nếu là doanh nghiệp hoạt động gia công.

Khuyến nghị của Grant Thornton Việt Nam

Trong bối cảnh cơ quan thuế đang tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế và chống chuyển giá, việc ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP và Thông tư số 41/2017/TT-BTC là tín hiệu cho thấy nỗ lực của các cơ quan quản lý trong việc hoàn thiện cơ sở pháp lý về quản lý giá chuyển nhượng của các giao dịch liên kết, tạo tiền đề cho việc thống nhất thực hiện quản lý, thanh tra, kiểm tra thuế và chống chuyển giá một cách chuyên nghiệp và minh bạch.

Đồng thời, cơ quan thuế cũng đang nỗ lực hoàn thiện cơ sở dữ liệu nội bộ áp dụng cho việc điều chỉnh các giao dịch liên kết, nếu cần. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra về chuyển giá gần đây được tiến hành chuyên nghiệp hơn cũng như phức tạp hơn, đòi hỏi phân tích sâu sắc và thực chất hơn về mô hình kinh doanh và các yếu tố ảnh hưởng đến giá giao dịch, không chỉ của người nộp thuế mà vươn tới quy mô toàn chuỗi cung ứng.