banner image
Góc báo chí

Tỉ lệ phụ nữ giữ các vị trí lãnh đạo cấp cao vượt qua mốc quan trọng 30% bất chấp đại dịch toàn cầu

Tỉ lệ phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo cấp cao trong các doanh nghiệp tầm trung trên toàn cầu đã đạt 31% dù cho đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn thế giới, ghi nhận theo báo cáo thường niên về đề tài “Phụ nữ trong kinh doanh” do Grant Thornton International phát hành.

Chia sẻ được chiếu trên kênh truyền hình HTV
Nhúng video
Sao chép mã nhúng video

 

 

Bà Nguyễn Thị Vĩnh Hà, Phó tổng giám đốc -Trưởng Bộ phận Tư vấn doanh nghiệp công ty Grant Thornton Việt Nam cho biết: “Tỉ lệ phụ nữ giữ các vai trò cấp cao trên toàn cầu vượt qua mức 30% là một cột mốc quan trọng đối với các doanh nghiệp, nhưng chưa phải là mục tiêu cuối cùng. Những doanh nghiệp muốn hưởng lợi từ việc cân bằng giới trong công sở thì cần phải tiếp tục hành động để giúp nữ giới xác định được mục tiêu lớn của mình là gì.” Thực tế là, Việt Nam đã cao hơn mức trung bình toàn cầu với tỉ lệ 39% (tăng 6% so với năm 2020) và xếp thứ 3 trên thế giới (trong số 29 quốc gia được khảo sát) - sau Philippines và Nam Phi - ngang bằng với Brazil và Ấn Độ, và xếp thứ 2 ở Châu Á Thái Bình Dương sau Philippines 48%.

Tỷ lệ nữ lãnh đạo tăng lên 31% là điều đáng khích lệ, trong bối cảnh con số toàn cầu vẫn luôn giữ ở mức 29% trong hai năm qua (2019 và 2020). Con số hiện nay cũng vượt qua ngưỡng quan trọng 30%, là ngưỡng tối thiểu cần thiết để thay đổi quy trình ra quyết định, theo các nghiên cứu[1] cho thấy. Tất cả các khu vực được khảo sát ngoại trừ Châu Á Thái Bình Dương (28%) hiện đã vượt qua mốc 30% quan trọng này.

Một kết quả đáng khích lệ khác là về các vai trò lãnh đạo mà phụ nữ đang đảm nhiệm. Nghiên cứu của Grant Thornton International cho thấy số lượng phụ nữ đảm nhận các vai trò trong C-suite cao hơn so với năm ngoái, với tỷ lệ nữ Giám đốc điều hành (CEO) tăng 6 điểm phần trăm lên 26%, nữ Giám đốc tài chính (CFO) cũng tăng 6 điểm phần trăm lên 36% và nữ Giám đốc vận hành (COO) tăng 4 điểm phần trăm lên 22%. Tỷ lệ phụ nữ giữ các vị trí cấp cao như quản trị nhân sự giảm nhẹ ở mức 38% (giảm 2 điểm phần trăm so với năm 2020) và có xu hướng đi xuống kể từ năm 2019. Các vị trí hàng đầu thường được phụ nữ đảm nhận trong doanh nghiệp tại Việt Nam năm 2021 là Giám đốc tài chính với tỉ lệ 60% (tăng từ 32% của năm 2020) đưa Việt Nam đứng số 1 tại Châu Á Thái Bình Dương. Vị trí Giám đốc Nhân sự đứng thứ hai với 59%, đây cũng là một vị trí rất phổ biến tại các khu vực còn lại của Châu Á Thái Bình Dương. Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong tỉ lệ phụ nữ giữ vị trí Giám đốc điều hành với mức tăng từ 7% lên 20% vào năm 2021 (xếp thứ 7 trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương).

Ngoài ra, hơn hai phần ba (69%) số người được phỏng vấn đồng ý rằng trong tổ chức của họ, các phương thức làm việc mới hình thành do ảnh hưởng của COVID-19 sẽ có lợi cho con đường sự nghiệp dài hạn của giới nữ, bất chấp các yếu tố cản trở của việc làm từ xa có thể làm giảm sự linh hoạt. Tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định này ở Việt Nam cao hơn mức trung bình toàn cầu, chiếm đa số với tỷ lệ 83%. 

Trong khi số lượng phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo đã tăng lên, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra về tác động của đại dịch COVID-19 đối với nữ giới, đặc biệt là các bà mẹ đang đi làm. Dữ liệu của Liên hợp quốc cho thấy, trước đại dịch, phụ nữ làm việc nhà không công nhiều hơn gấp ba lần so với nam giới; và bằng chứng thu thập chỉ ra rằng COVID-19 chỉ đang làm gia tăng sự chênh lệch này - cũng như tăng thêm trách nhiệm chăm sóc và cho trẻ học tại nhà khi trường học đóng cửa[2].

Bà Valerie Teo, Phó tổng giám đốc – Dịch vụ Tư vấn Thuế tại Grant Thornton Việt Nam cho biết: “Việc vượt qua mức tỉ lệ 30% chắc chắn là một thành tựu - với sự tăng trưởng lớn từ tỷ lệ chỉ 19% của cách đây 17 năm khi chúng tôi bắt đầu nghiên cứu và ghi nhận - tuy nhiên những thành quả này có thể dễ dàng bị mất đi. Điều khuyến khích là , 92% doanh nghiệp trên toàn cầu cho biết họ đang hành động để đảm bảo sự tương tác và gắn kết của nhân viên dù cho bối cảnh tiêu cực của đại dịch vẫn đang tiếp diễn; và với việc bình thường hóa phương thức làm việc từ xa, người sử dụng lao động ngày càng linh hoạt hơn về cách thức, địa điểm và thời gian làm việc của nhân viên”.

“Hiện nay việc cần thiết hơn bao giờ hết là các doanh nghiệp cần tập trung tạo điều kiện cho nữ giới đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo, giúp họ tiến lên phía trước thay vì bị đẩy lùi bởi hậu quả của đại dịch toàn cầu”.

--

[1] Dahlerup, D. (2006). The Story of the Theory of Critical Mass. Politics & Gender, 2(4), 511-522. doi:10.1017/S1743923X0624114X

[2] UN Women, Nov 2020

 

- Hết -

 

Để được hỗ trợ và giải đáp thắc mắc, vui lòng liên hệ:

Ngô Thị Kim Vân

Trưởng phòng cấp cao - Bộ phận Truyền thông và Tiếp Thị

M: +84 909 044 214

E:  van.ngo@vn.gt.com

Sao chép nội dung