article banner
Báo cáo kinh doanh quốc tế

Kinh tế toàn cầu không ổn định gây áp lực lên doanh nghiệp quy mô vừa ở Việt Nam

Chúng tôi hân hạnh giới thiệu tiếp ấn phẩm thứ hai với chủ đề “Kinh tế toàn cầu không ổn định gây áp lực lên doanh nghiệp quy mô vừa ở Việt Nam” theo kết quả Khảo sát của Báo cáo Kinh doanh Quốc tế (IBR) của Grant Thornton. Theo báo cáo, doanh nghiệp gặp phải nhiều khó khăn trong nửa đầu năm 2023, đặc biệt là ở Việt Nam. 

Trong 6 tháng đầu năm 2023, nỗi lo về kinh tế vẫn tồn tại trong thị trường tầm trung tại Việt Nam. Theo dữ liệu của IBR, tỷ lệ doanh nghiệp ở Việt Nam đánh giá bất ổn kinh tế là trở ngại rất lớn đối với hoạt động kinh doanh đã tăng đáng kể từ 58% trong nửa cuối năm 2022 lên 72% trong nửa đầu năm 2023. Trong khi đó, tỷ lệ này trên toàn cầu đầu năm 2023 là 58%, giảm so với năm ngoái. Bên cạnh đó, 56% doanh nghiệp được khảo sát tại Việt Nam bị áp lực về nguồn vốn kinh doanh so với trung bình 44% trên toàn cầu.  

Một trong những lý do ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp ở Việt Nam trong thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu này là vấn đề nhu cầu sụt giảm. Tình trạng thiếu đơn hàng trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tác động đáng kể đến các doanh nghiệp tầm trung tại Việt Nam khi 62% doanh nghiệp được khảo sát coi đây là thách thức kinh doanh rất lớn, tăng 12% so với báo cáo cuối năm 2022. Trong khi đó, trên toàn thế giới, tỷ lệ các doanh nghiệp cho rằng thiếu đơn hàng là trở ngại rất lớn đã giảm 5% xuống còn 48%. Sự gia tăng lo lắng của các doanh nghiệp ở Việt Nam cho thấy những thách thức mà nền kinh tế định hướng tập trung xuất khẩu của đất nước đang phải đối mặt. Với nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước, đơn hàng quốc tế là một nguồn doanh thu quan trọng. Do đó, việc nhu cầu giảm đi tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc đã gây áp lực nặng nề lên hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.