Trong bản tin này, Grant Thornton Việt Nam xin được cập nhật tới Quý khách hàng các chính sách pháp luật và các hướng dẫn đáng lưu ý trong lĩnh vực Thuế và Ngân hàng mới được ban hành trong thời gian qua.
Contents

1. Nghị định 91/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định một số điều Luật Quản lý thuế.

Ngày 30/10/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 91/2022/NĐ-CP có một số điểm đáng chú ý như sau:

a. Bổ sung quy định kết thúc thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế, thời hạn cơ quan quản lý thuế giải quyết hồ sơ, thời hạn hiệu lực của quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế:

Trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, nộp thuế, thời hạn cơ quan quản lý thuế giải quyết hồ sơ, thời hạn hiệu lực của quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế trùng với ngày nghỉ theo quy định thì ngày cuối cùng của thời hạn được tính là ngày làm việc liền kề sau ngày nghỉ đó.

b. Bổ sung trường hợp không phải nộp hồ sơ khai thuế tạm tính thuế thu nhập cá nhân ("TNCN"):

Nghị định này đã bổ sung thêm trường hợp người khai thuế TNCN là tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc trường hợp khai thuế TNCN theo tháng, quý mà trong tháng, quý đó không phát sinh việc khấu trừ thuế TNCN của đối tượng nhận thu nhập thì không phải nộp hồ sơ khai thuế trong tháng, quý đó (trước đây được hướng dẫn trong Công văn số 2393/TCT-DNNCN ngày 01/07/2021 ban hành bởi Tổng Cục Thuế).

c. Sửa đổi quy định về nghĩa vụ tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”):

Số thuế TNDN tạm nộp trong 04 quý của năm tính thuế không được thấp hơn 80% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm (theo quy định cũ: Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của 03 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm.)

Trong trường hợp phát sinh nộp thiếu thì sẽ tính chậm nộp trên số tiền nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế TNDN quý 04. (theo quy định cũ: trường hợp phát sinh nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 03 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế TNDN quý 03 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.)

Theo đó, quy định này được áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2021 với hướng dẫn cụ thể như sau:

  • Tính đến ngày 30/10/2022, người nộp thuế có số thuế tạm nộp 03 quý đầu kỳ tính thuế năm 2021 không thấp hơn 75% số phải nộp theo quyết toán năm, thì không áp dụng quy định tỷ lệ tạm nộp 04 quý;
  • Tính đến ngày 30/10/2022, người nộp thuế có số thuế tạm nộp 03 quý đầu kỳ tính thuế năm 2021 thấp hơn 75% số phải nộp theo quyết toán năm, thì được áp dụng tỷ lệ tạm nộp 04 quý theo quy định nêu trên nếu không tăng thêm số tiền chậm nộp.

d. Bổ sung quy định về việc cung cấp thông tin của sàn thương mại điện tử:

Sàn thương mại điện tử Việt Nam có nghĩa vụ cung cấp thông tin của các giao dịch thương mại điện tử trên sàn thương mại điện tử, bao gồm tên người bán hàng, mã số thuế hoặc số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu, địa chỉ, số điện thoại liên lạc, doanh thu bán hàng thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn.

Việc cung cấp thông tin thực hiện định kỳ hàng quý chậm nhất vào ngày cuối của tháng đầu quý sau bằng phương thức điện tử thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế theo định dạng dữ liệu do Tổng cục Thuế công bố.

e. Bổ sung quy định về kê khai và nộp thuế TNCN đối với trường hợp cá nhân nhận cổ tức hoặc nhận thưởng bằng chứng khoán:

Doanh nghiệp chứng khoán (bao gồm công ty chứng khoán, tổ chức phát hành chức khoán, ngân hàng thương mại nơi cá nhân mở tài khoản lưu ký, công ty quản lý quỹ nơi cá nhân ủy thác danh mục đầu tư) phải thực hiện việc kê khai và nộp thuế đối với trường hợp cá nhân nhận cổ tức hoặc nhận thưởng bằng chứng khoán sẽ thực hiện từ 01/01/2023.

Trường hợp từ ngày 31 tháng 12 năm 2022 trở về trước, các cá nhân nếu chưa kê khai thuế đối với các khoản cổ tức, thưởng bằng cổ phiếu này thì sẽ cần phải tự kê khai, nhưng không bị xử phạt vi phạm hành chính về chậm nộp hồ sơ khai thuế và không bị tính tiền chậm nộp (nếu có) từ ngày 05 tháng 12 năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.

Nghị định 91/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 30/10/2022, riêng quy định sửa đổi được áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2021 về nghĩa vụ tạm nộp thuế TNDN.

2. Thông tư 12/2022/TT - NHNN ban hành ngày 30/09/2022 bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (“NHNNVN”) có hiệu lực từ ngày 15/11/2022 với một số điểm đáng chú ý như sau:

a. Kể từ ngày văn bản này có hiệu lực, doanh nghiệp có nghĩa vụ báo cáo tình hình thực hiện khoản vay theo tháng, thay vì báo cáo theo quý như quy định trước đây.

b. Sửa đổi và chi tiết đối tượng phải đăng ký khoản vay, cụ thể khoản vay ngắn hạn không có thỏa thuận gia hạn nhưng còn dư nợ gốc (bao gồm cả nợ lãi được nhập gốc) tại thời điểm tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên, trừ trường hợp bên đi vay hoàn thành thanh toán dư nợ gốc nói trên trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ thời điểm tròn 01 năm tính từ ngày rút vốn đầu tiên. (theo quy định cũ: ngoại trừ trường hợp bên đi vay hoàn thành thanh toán dư nợ gốc trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ thời điểm tròn 01 năm tính từ ngày rút vốn đầu tiên.)

c. Sửa đổi và bổ sung quy định về thời hạn nộp hồ sơ đăng ký khoản vay, cụ thể như sau:

- 30 ngày làm việc kể từ ngày ký thỏa thuận vay nước ngoài trung, dài hạn;

- 30 ngày làm việc kể từ ngày ký thỏa thuận gia hạn khoản vay nước ngoài ngắn hạn thành trung, dài hạn đối với khoản vay mà ngày ký thỏa thuận gia hạn trong vòng 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên;

- 30 ngày làm việc kể từ ngày bên đi vay được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy phép thành lập và hoạt động theo pháp luật chuyên ngành, ngày ký hợp đồng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng PPP), ngày các bên ký thỏa thuận vay nước ngoài để chuyển số tiền chuẩn bị đầu tư thành vốn vay (tùy thuộc ngày nào đến sau), áp dụng đối với khoản vay nước ngoài phát sinh từ việc chuyển số tiền thực hiện chuẩn bị đầu tư của các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thành vốn vay nước ngoài.

- 60 ngày làm việc tính từ ngày tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên đối với:

+ Khoản vay ngắn hạn có thỏa thuận gia hạn mà ngày ký thỏa thuận gia hạn sau 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên; và

+ Khoản vay ngắn hạn không có thỏa thuận gia hạn nhưng còn dư nợ gốc (bao gồm cả nợ lãi được nhập gốc) tại thời điểm tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên, trừ trường hợp bên đi vay hoàn thành thanh toán dư nợ gốc nói trên trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ thời điểm tròn 01 năm tính từ ngày rút vốn đầu tiên.

3. Thông tư 67/2022/TT-BTC của Bộ Tài Chính hướng dẫn về nghĩa vụ thuế khi doanh nghiệp trích lập và sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp

Ngày 07/11/2022, Bộ Tài Chính ban hành thông tư 67/2022/TT-BTC tháo gỡ khó khăn và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19.

Cụ thể, mặc dù theo quy định thì quỹ phát triển khoa học và công nghệ chỉ được sử dụng cho hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thông tư này đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng việc bổ sung thêm trường hợp doanh nghiệp có thể sử dụng quỹ để mua máy móc, thiết bị cho đổi mới công nghệ, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong 02 năm (năm 2022 và năm 2023).

Đồng thời, thông tư này cũng bổ sung quy định về hướng dẫn theo dõi quản lý tài sản cố định (“TSCĐ”) đã được hình thành từ nguồn Quỹ chưa hết hao mòn vừa dùng cho hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, đồng thời dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, với trường hợp này chỉ cần theo dõi TSCĐ này theo quy định mà không cần tính khấu hao TSCĐ vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Quy định này tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong trường hợp TSCĐ hình thành từ nguồn Quỹ nhưng không sử dụng hết công suất bằng cách cho phép doanh nghiệp dùng tài sản này đồng thời cho sản xuất kinh doanh, nhằm tránh lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp.

Ngoài ra, thông tư này cũng làm rõ hơn việc xác định thuế thu nhập doanh nghiệp đối với trường hợp trích lập Quỹ trong thời gian doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, có nhận điều chuyển Quỹ từ doanh nghiệp khác (doanh nghiệp điều chuyến).

Cụ thể, nếu doanh nghiệp sử dụng không đúng mục đích hoặc không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% đối với số Quỹ đã trích và nhận điều chuyển, thì thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp dùng để tính số thuế thu hồi là thuế suất áp dụng cho doanh nghiệp tại thời điểm trích lập quỹ. Cách xác định số thuế thu hồi đối với số tiền trích lập Quỹ tại doanh nghiệp và số tiền doanh nghiệp nhận điều chuyển từ doanh nghiệp khác như sau:

  • Đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần quỹ trích lập tại doanh nghiệp sử dụng không đúng mục đích hoặc không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% đối với số Quỹ đã trích và nhận điều chuyển là:

imageucwfa.png

  • Đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp đối với số tiền doanh nghiệp nhận Điều chuyển sử dụng không đúng mục đích hoặc không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% đối với số Quỹ đã trích và nhận điều chuyển, có hai trường hợp xác định như sau:

+ Nếu doanh nghiệp điều chuyển không được hưởng ưu đãi thuế TNDN tại thời điểm điều chuyển Quỹ:

images5qmc.png

+          Nếu doanh nghiệp điều chuyển được hưởng ưu đãi thuế TNDN tại thời điểm điều chuyển Quỹ:

imagex9czr.png

Thông tư 67/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 23/12/2022

4. Công văn 3870/TCT-DNNCN của Tổng Cục thuế quy định về việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế thay đối với khoản thưởng khuyến mại, chiết khấu thương mại :

Ngày 19/10/2022, Tổng cục thuế ban hành công văn 3870/TCT-DNNCN hướng dẫn về việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế đối với khoản thưởng khuyến mại, chiết khấu thương mại. Theo đó, công văn nêu ra một số điểm cần lưu ý như sau:

a. Đối với quà tặng khuyến mại

Trường hợp Công ty tặng hiện vật là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng cho khách hàng không kèm theo việc mua, bán hàng hóa thì khoản quà tặng mà khách hàng nhận được thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân từ quà tặng. Trường hợp Công ty chi hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật cho hộ khoán đạt doanh số thì tổ chức có trách nhiệm khai thuế thay và nộp thuế thay cho cá nhân theo quy định.

b. Đối với thưởng khuyến mại, chiết khấu thương mại

Việc chiết khấu thương mại cho khách hàng là hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán mua hàng với khối lượng lớn, bao gồm cả trường hợp hộ kinh doanh ngành nghề sản xuất (mua thức ăn gia súc, gia cầm để chăn nuôi, không bán lại và không thuộc diện được miễn thuế theo quy định đối với hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp) thì Công ty chỉ thực hiện khai thay, nộp thay thuế TNCN cho hộ khoán theo mức thuế suất thuế TNCN 0,5%.

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chịu trách nhiệm khi cung cấp thông tin về phương pháp tính thuế của hộ kinh doanh cho tổ chức để tổ chức thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay nếu hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là hộ khoán. Cơ quan thuế căn cứ cơ sở dữ liệu về khai thuế, hóa đơn, chứng từ của người nộp thuế để quản lý rủi ro trong trường hợp này.

Việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho hộ khoán đối với các khoản chi trả thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền được thực hiện kể từ ngày 01/8/2021 (hiệu lực của Thông tư số 40/2021/TT-BTC).

Trường hợp tổ chức thực hiện chương trình khuyến mại đúng quy định thì khoản tiền, hiện vật hộ khoán nhận được vượt trên 10 triệu đồng thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân từ trúng thưởng. Tổ chức chi trả thưởng từ khuyến mại thực hiện việc khấu trừ thuế thu nhập cá nhân trước khi trả thưởng cho cá nhân trúng thưởng.

c. Đối với khoản thuế Công ty nộp thay cho khách hàng nhận quà tặng khuyến mại, chiết khấu thương mại.

Đối với việc chi trả các khoản quà tặng khuyến mại, chiết khấu thương mại,... cho cá nhân và nộp thuế thay cho cá nhân thì Công ty không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào và không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản thuế nộp thay cho cá nhân.

5. Công văn 3300/CTHPH-TTHT của cục thuế Hải Phòng ban hành ngày 17/10/2022 hướng dẫn về chính sách thuế thu nhập cá nhân (“TNCN”) đối với quà tết, tiền vận chuyển đồ cá nhân

a. Trường hợp Công ty mua quà tết âm lịch cho người lao động (“NLĐ”) và tặng cho nhân viên đây là khoản lợi ích mà NLĐ được hưởng nên khoản quà tặng này được tính vào thu nhập chịu thuế (“TNCT”) khi tính thuế TNCN với kỳ tính thuế là thời điểm NLĐ nhận quà tặng.

b. Công ty chi trả tiền vận chuyển đồ cá nhân của chuyên gia đã kết thúc hợp đồng về nước, chi phí này được công ty vận chuyển phát hành hóa đơn sau thời điểm chuyên gia kết thúc hợp đồng thì đây là khoản chi phục vụ cho cá nhân nên thuộc diện tính vào TNCT khi tính thuế TNCN của chuyên gia.

c. Người lao động của Công ty là chuyên gia nước ngoài kết thúc hợp đồng và về nước vào ngày 30/11. Người lao động trực tiếp khai quyết toán thuế TNCN với cơ quan thuế hoặc ủy quyền cho Công ty quyết toán thuế TNCN trước khi xuất cảnh trong đó: kỳ quyết toán thuế từ 01/01/2022 đến ngày 30/11/2022 với TNCT khi tính thuế TNCN là toàn bộ thu nhập được chi trả trong kỳ quyết toán thuế của chuyên gia.

6. Công văn 3734/ctbni/ttht của cục thuế tỉnh Bắc Ninh ban hành ngày 14/11/2022 hướng dẫn về chính sách thuế khi di chuyển địa điểm kinh doanh và nghĩa vụ kê khai, nộp thuế đối với cá nhân cho công ty thuê tài sản

Trường hợp công ty thực hiện dự án đầu tư theo địa điểm đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN do đáp ứng điều kiện ưu đãi thuế theo địa bàn. Tuy nhiên sau đó, công ty thay đổi địa điểm thực hiện dự án đầu tư (nằm ngoài địa điểm đã đăng ký theo giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp phép) thì công ty không được hưởng ưu đãi thuế TNDN do không đáp ứng điều kiện về địa bàn ưu đãi kể từ thời điểm thay đổi địa điểm thực hiện dự án.

Công ty thực hiện theo dõi và kê khai, nộp thuế riêng đối với thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh (“SXKD”) được hưởng ưu đãi và không được hưởng ưu đãi thuế TNDN.

Trường hợp công ty không tính riêng được thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh được hưởng ưu đãi và không được hưởng ưu đãi thuế TNDN thì xác định như sau:

imagepy6xf.png

7. Công văn 52118/CT-TTHT của cục thuế thành phố Hà Nội ban hành ngày 28/10/2022 hướng dẫn về hồ sơ đăng ký người phụ thuộc thuế TNCN

Trường hợp người nộp thuế đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc là cha đẻ, mẹ đẻ ngoài độ tuổi lao động và không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng (1 triệu đồng), thì không có quy định phải lập bản kê khai về người trực tiếp nuôi dưỡng (mẫu 07/XN-NPT-TNCN tại Thông tư số 80/2021/TT-BTC), chỉ phải nộp các hồ sơ khác theo quy định (ví dụ: bản chụp chứng minh nhân dân, giấy tờ hợp pháp xác định mối quan hệ, v.v.). Riêng đối với các cá nhân khác theo hướng dẫn (anh chị em, ông bà, cháu, v.v) thì phải lập bản kê khai mẫu 07/XN-NPT-TNCN nêu trên.

8. Công văn 2812/CTBDI - TTHT của cục thuế tỉnh Bình Định ban hành ngày 28/9/2022 và công văn 3776/CTBNI-TTHT của cục thuế tỉnh Bắc Ninh ban hành ngày 17/11/2022 hướng dẫn về kê khai quyết toán thuế của chi nhánh hạch toán phụ thuộc được hưởng ưu đãi thuế TNDN

Trường hợp doanh nghiệp có chi nhánh là cơ sở sản xuất kinh doanh hạch toán phụ thuộc đóng trên địa bàn khác tỉnh, thành phố với trụ sở chính, có thu nhập được hưởng ưu đãi thuế TNDN thì việc kê khai quyết toán thuế và nộp thuế TNDN của chi nhánh được hướng dẫn như sau:

  • Theo hướng dẫn của cục thuế tỉnh Bình Định

Chi nhánh thực hiện kê khai riêng đối với thu nhập được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo mẫu 03/TNDN ban hành kèm theo phụ lục II thông tư số 80/2021/TT-BTC (trong đó chỉ tiêu “thuế TNDN phải nộp của hoạt động sản xuất kinh doanh” chỉ khai hoạt động ưu đãi thuế) và không phải kê khai phụ lục bảng phân bổ số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cho các địa phương nơi được hưởng nguồn thu đối với cơ sở sản xuất theo mẫu số 03-8/TNDN.

Theo đó, trường hợp phát sinh số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp nộp thừa tại tỉnh/thành phố nơi chi nhánh đóng địa bàn thì không được bù trừ với số thuế thu nhập doanh nghiệp nộp thiếu tại tỉnh/thành phố nơi trụ sở chính đóng địa bàn vì khác địa bàn thu ngân sách.

  • Theo hướng dẫn của cục thuế tỉnh Bắc Ninh

Việc thực hiện khai nộp thuế đối với chi nhánh theo hướng dẫn của cục thuế tỉnh Bắc Ninh có sự khác biệt. Cụ thể, trụ sở chính khai quyết toán thuế TNDN theo mẫu số 03/TNDN ban hành kèm theo phụ lục II Thông tư 80/2021/TT-BTC và nộp tại cơ quan thuế quản lý của trụ sở chính, đồng thời xác định thuế TNDN phải nộp của hoạt động được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo mẫu số 03-3A/TNDN ban hành kèm theo phụ lục II thông tư số 80/2021/TT-BTC và nộp tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp của trụ sở chính và chi nhánh (áp dụng từ kỳ tính thuế 2021).

Hiện nay, hệ thống quản lý thuế tập trung của cơ quan thuế (TMS) đã hỗ trợ việc truyền nhận thông tin phụ lục 03-3A/TNDN. Vì vậy, khi công ty nộp hồ sơ quyết toán thuế TNDN theo mẫu 03/TNDN kèm theo phụ lục 03-3A/TNDN tại Cục Thuế tỉnh nơi trụ sở chính đóng địa bàn thì hệ thống ứng dụng quản lý thuế của cơ quan thuế sẽ tự động truyền dữ liệu đến cơ quan thuế nơi chi nhánh được hưởng ưu đãi khác tỉnh, theo đó công ty không phải gửi phụ lục 03-3A/TNDN đến cục thuế tỉnh nơi chi nhánh đóng địa bàn.