article banner
Bản tin thuế

Một số hướng dẫn về chính sách thuế và bảo hiểm

1. Cập nhật một số điểm đáng lưu ý của Nghị định 116/2017/NĐ-CP Quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô

Ngày 17 tháng 10 năm 2017 Chính phủ vừa ban hành Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Các quy định này áp dụng với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Đáng chú ý, trong số các điều kiện để được kinh doanh ô tô tại Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ô tô nhập khẩu bắt buộc phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng.

Theo đó, để được kinh doanh ô tô tại Việt Nam, doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất và nhập khẩu ô tô phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê, hoặc thuộc hệ thống đại lý ủy quyền của doanh nghiệp đáp ứng quy định tại Nghị định như: Nhà xưởng được xây dựng trên khu đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp; Có cam kết về việc hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp linh kiện, phụ kiện phục vụ việc bảo hành, bảo dưỡng ô tô của: Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước (trong trường hợp cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước); hoặc doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài (trong trường hợp cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng cho doanh nghiệp nhập khẩu ô tô);…

Đối với doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, phải có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam. Khi được cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô, doanh nghiệp sẽ phải duy trì các điều kiện kinh doanh và bảo đảm việc thực hiện trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi, thu hồi ô tô nhập khẩu theo quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP.

Đáng chú ý, trong Nghị định 116/2017/NĐ-CP có nêu rõ điều kiện đối với ô tô cũ đã qua sử dụng nhập khẩu về Việt Nam. Khi tiến hành thủ tục kiểm tra đối với loại xe này, doanh nghiệp nhập khẩu phải cung cấp cho cơ quan quản lý chất lượng Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành còn hiệu lực đến trước khi xuất khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương. Bên cạnh đó, ô tô cũ đã qua sử dụng nhập khẩu về phải có thời hạn bảo hành tối thiểu 2 năm hoặc 50.000 km đối với ô tô con, tối thiểu 1 năm hoặc 20.000 km đối với các loại ô tô còn lại tùy điều kiện nào đến trước.

Điều khoản chuyển tiếp: Hoạt động kinh doanh nhập khẩu ô tô của doanh nghiệp hiện tại (theo pháp luật trước khi Nghị định 116 ra đời) vẫn được thực hiện cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2017; kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, doanh nghiệp chỉ được phép nhập khẩu ô tô sau khi được cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô theo quy định tại Nghị định 116. Đối với điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô: các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đang hoạt động được tiếp tục hoạt động trong thời hạn 18 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

2. Hoàn thuế GTGT của dự án đầu tư

Bộ tài chính- Tổng cục thuế vừa ban hành công văn số 4423/TCT-CS ngày 28 tháng 9 năm 2017 và công văn số 4725/TCT-CS ngày 13 tháng 10 năm 2017 hướng dẫn về việc hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư, theo đó:

Cơ sở kinh doanh đang hoạt động thuộc đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ có dự án đầu tư cùng tỉnh, thành phố, đang trong giai đoạn đầu tư thì cơ sở kinh doanh thực hiện kê khai riêng đối với dự án đầu tư và phải kết chuyển thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư để bù trừ với việc kê khai thuế GTGT của hoạt động sản xuất kinh doanh đang thực hiện. Số thuế GTGT được kết chuyển của dự án đầu tư tối đa bằng số thuế GTGT phải nộp của hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ của cơ sở kinh doanh.

Sau khi bù trừ nếu số thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT cho dự án đầu tư

3. Hướng dẫn về chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu.

Ngày 27 tháng 9 năm 2017 Tổng Cục Hải quan ban hành công văn số 6337/TCHQ-TXNK về việc chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu như sau:

Chính sách quản lý hàng hóa, chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được áp dụng tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, trừ trường hợp pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có quy định khác.

Dự án có mức ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thấp hơn mức ưu đãi hoặc chưa được hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định tại Luật Thuế XK số 107/2016/QH13 thì được hưởng mức ưu đãi theo quy định của Luật này cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án 

Theo đó:

  • Trường hợp Công ty nhập khẩu các chi tiết, phụ tùng (từ ngày được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư đến nay) để lắp ráp đồng bộ hoặc sử dụng đồng bộ với máy móc, thiết bị đã nhập khẩu trước ngày được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư thì không được miễn thuế nhập khẩu.
  • Trường hợp Công ty nhập khẩu chi tiết, phụ tùng để lắp ráp đồng bộ hoặc sử dụng đồng bộ với máy móc, thiết bị nhập khẩu được miễn thuế kể từ ngày được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư thì được miễn thuế nhập khẩu
  • Trường hợp Công ty nhập khẩu các loại khuôn để lắp ráp vào các máy móc đã nhập khẩu từ trước để sản xuất linh kiện theo các model khác nhau thì không được miễn thuế nhập khẩu
  • Đối với trường hợp Công ty nhập khẩu máy móc, thiết bị khác (nhập mới) để tăng năng suất và lắp ráp tạo thành chuyền đồng bộ và được sử dụng đồng bộ với với máy móc, thiết bị đã nhập khẩu trước đây: Hiện nay, Luật Thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 không quy định miễn thuế nhập khẩu đối với trường hợp máy móc, thiết bị nhập khẩu mới để sử dụng đồng bộ với máy móc, thiết bị đã nhập khẩu trước đây. 

4. Xử lý thuế của hàng hóa xuất khẩu có nguồn gốc nhập khẩu

Tổng cục hải quan- Cục thuế xuất nhập khẩu vừa ban hành công văn số 3828/TXNK-CST ngày 05 tháng 10 năm 2017 và công văn số 3861/TXNK-CST ngày 10 tháng 10 năm 2017 hướng dẫn việc xử lý thuế của hàng hóa xuất khẩu có nguồn gốc nhập khẩu như sau:

Hàng hóa nhập khẩu nhưng phải tái xuất ra nước ngoài hoặc xuất khẩu vào khu phi thuế quan để sử dụng trong khu phi thuế quan được hoàn thuế nhập khẩu và không phải nộp thuế xuất khẩu. Việc tái xuất hàng hóa phải được thực hiện bởi người nhập khẩu ban đầu hoặc người được người nhập khẩu ban đầu ủy quyền, ủy thác xuất khẩu. Thủ tục nộp, tiếp nhận, xử lý hồ sơ hoàn thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Hàng hóa nhập khẩu nhưng phải tái xuất trả lại chủ hàng nước ngoài hoặc tái xuất sang nước thứ ba được xét hoàn lại thuế nhập khẩu đã nộp tương ứng với số lượng hàng thực tế tái xuất và không phải nộp thuế xuất khẩu. Điều kiện để được xét hoàn lại thuế nhập khẩu đã nộp và không phải nộp thuế xuất khẩu là hàng hóa chưa qua quá trình sản xuất, gia công, sửa chữa hoặc sử dụng tại Việt Nam. Trường hợp các mặt hàng rượu, bia, thuốc lá, gỗ nhập khẩu sau đó tái xuất, cơ quan hải quan kiểm tra thực tế toàn bộ lô hàng khi xuất khẩu để kiểm tra sự phù hợp của hàng hóa xuất khẩu với hàng hóa đã nhập khẩu trước đây.

5. Hướng dẫn hồ sơ truy đóng BHXH, BHYT, BHTN, BH TNLĐ-BNN

Bảo hiểm xã hội TPHCM vừa ban hành công văn số 2055/BHXH-QLT ngày 02 tháng 10 năm 2017 hướng dẫn hồ sơ truy đóng BHXH, BHYT, BHTN, BH TNLĐ-BNN như sau:

  •  Trường hợp đề nghị truy thu theo Kết luận thanh tra của cơ quan BHXH hoặc cơ quan thanh tra hoặc Quyết định xử lý vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền (truy thu từ 6 tháng trở lên); hoặc Kết luận kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền (trường hợp truy thu dưới 6 tháng), đơn vị lập hồ sơ giao dịch điện tử Phiếu giao nhận hồ sơ Truy thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (Trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BHTN, BH TNLĐ-BNN) (Mẫu số 601) kèm theo bản scan kết luận thanh tra hoặc quyết định xử lý vi phạm.
  •  Trường hợp tự đề nghị truy thu thì đơn vị thực hiện:

(i) Trường hợp khi có phát sinh người lao động đã làm việc nhiều tháng mà đơn vị chưa báo tăng, nay đề nghị truy thu thì lập hồ sơ giao dịch điện tử theo Phiếu giao nhận hồ sơ: Đăng ký, điều chỉnh đóng BHXH, BHYT, BHTN, BH TNLĐ-BNN; Cấp sổ BHXH, thẻ BHYT (Mẫu số 600), báo tăng ngay cho người lao động tại tháng hiện hành để kịp thời cấp sổ BHXH và thẻ BHYT cho người lao động.

(ii) Đơn vị lập hồ sơ đề nghị truy thu cho thời gian còn lại, chuẩn bị hồ sơ làm cơ sở lập danh sách truy thu theo phụ lục 02 kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH gồm:

- Quyết định tuyển dụng, quyết định xếp lương; hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; phụ lục hợp đồng...

- Bảng thanh toán tiền lương (hoặc bảng kê tiền lương, tiền công nếu trả qua ATM) tương ứng thời gian truy thu.

- Loại khác: Văn bản giải trình, thuyết minh... hoặc giấy tờ liên quan đến việc khoán sản phẩm, khoán công việc (nếu có).

- Thang, bảng lương đã đăng ký với cơ quan lao động địa phương mà đơn vị đang áp dụng.

Vui lòng liên hệ với các chuyên gia tư vấn của Grant Thornton nếu Quý vị cần sự tư vấn liên quan đến thuế, giấy phép lao động cho người nước ngoài hay các vướng mắc về chính sách pháp luật trong quá trình hoạt động kinh doanh.