banner image
Góc báo chí

Cuộc chiến thương mại có ảnh hưởng gì đến Châu Á - Thái Bình Dương

Các doanh nghiệp tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) đang bị kẹt vào giữa hai chiều chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc. Bất luận những hệ quả của cuộc chiến này thì mô hình thương mại của khu vực có thể thay đổi một cách vĩnh viễn và các doanh nghiệp với tầm nhìn chiến lược sẽ là những đối tượng hưởng lợi đầu tiên.

Cả thế giới đang chứng kiến một loại hình chiến tranh thương mại toàn cầu mới giữa Mỹ và Trung Quốc, theo đó thuế quan áp dụng trên các mặt hàng vì các mục tiêu chính sách rộng hơn, chủ yếu nhằm kiểm soát công nghệ mới và gây ảnh hưởng đến thương mại. Tuy đã có những dấu hiệu hạ nhiệt tạm thời sau cuộc họp G20 hồi tháng 6 tại Osaka khi cả hai bên đồng ý khởi động lại các vòng đàm phán, chưa có bất kỳ kết quả rõ ràng nào được ghi nhận.

Nhìn chung, cuộc chiến thương mại đang gây ảnh hưởng xấu đến khu vực, cuốn theo bất ổn kinh tế toàn cầu cũng như làm giảm sút niềm tin trên toàn Châu Á - Thái Bình Dương.

Thực tế trong Báo cáo Kinh doanh Quốc tế (IBR) mới nhất của Grant Thornton đã ghi nhận chỉ số lạc quan của khu vực APAC giảm 8 điểm phần trăm kể từ nửa cuối năm 2018 và thấp hơn 50% so với nửa đầu năm trước.

Tuy nhiên, các dữ liệu ghi nhận cũng cho thấy tại Việt Nam 72% người được khảo sát cảm thấy lạc quan về triển vọng kinh tế trong 12 tháng tới. Chỉ số lạc quan của Việt Nam xếp hạng nhì trên toàn bảng, vượt trên mức trung bình toàn khu vực APAC (26%) và mức trung bình toàn cầu (32%).

Các doanh nghiệp cần cân nhắc về phương pháp đảm bảo tăng trưởng trong hoàn cảnh phải đối mặt với sự gián đoạn thương mại lâu dài. Điều này đòi hỏi sự đương đầu với những thách thức từ gián đoạn chuỗi cung ứng, cải tổ công nghệ, và việc tăng cường các yêu cầu pháp lý và tuân thủ cũng có thể cản trở việc tiếp cận những thị trường mới.

Tranh chấp thương mại đã gây ra các tác động không đồng đều trên toàn khu vực. Vận may kinh tế của các quốc gia cũng không giống nhau do các mức độ ảnh hưởng khác nhau của chiến tranh thương mại đến các nền kinh tế.

Nhóm các quốc gia mới nổi tại APAC đang hưởng lợi

Những nền kinh tế mới nổi sẽ được hưởng lợi khi các doanh nghiệp thay đổi chiến lược sản xuất. Thành viên sáng lập và Cố vấn HĐQT cấp cao của Grant Thornton Việt Nam, ông Kenneth Atkinson cho biết: “Việt Nam đã đang chứng kiến một sự tăng trưởng mạnh trong FDI do có sự chuyển dịch trong quá trình sản xuất của các mặt hàng như may mặc, giày dép và dụng cụ điện tử, là kết quả của căng thẳng thương mại hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong 5 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã thu hút được 16,5 tỷ Đô La Mỹ vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), trong đó 30% đến từ Hồng Kông cũng như các nguồn đầu tư từ Trung Quốc cũng đang ngày càng tăng. [i] Trên thực tế, các ngành công nghiệp hưởng lợi nhiều nhất trong các dự án đầu tư này chính là sản xuất và gia công.”

Xác định và giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung cứng

Đối với các doanh nghiệp đang mở rộng quy mô nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển dịch thương mại, thách thức tồn tại không chỉ ở thời gian chuyển giao năng lực sản xuất giữa các quốc gia mà còn là vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng. Mạng lưới cung ứng trong khu vực đang ngày càng trở nên phức tạp và sẽ cần đến các phương pháp tinh vi hơn nhằm gia tăng hiệu quả quản lý. Các doanh nghiệp đang nhận ra tác động của cuộc chiến thương mại đến các nhà cung ứng và thị trường của họ. Mặc dù doanh nghiệp có thể giảm thiểu rủi ro bằng cách soát xét lại các quy trình hải quan và lên kế hoạch cho chuỗi cung ứng, những thay đổi cơ bản vẫn được xem là cần thiết hơn.

Việc sở hữu nhiều chuỗi cung ứng trở nên quan trọng hơn bao giờ. Cho đến gần đây, các doanh nghiệp tìm nguồn cung hàng hóa và nguyên liệu từ Trung Quốc thường dựa trên chiến lược chuỗi cung ứng ‘Trung Quốc cộng một’, theo đó các doanh nghiệp sẽ có nhà cung ứng thứ cấp tại một quốc gia khác nhằm đề phòng trường hợp gián đoạn chuỗi cung ứng. Chiến lược này có thể không còn đủ để đảm bảo chuỗi lưu thông hàng hóa.

Các doanh nghiệp cũng cần đảm bảo đủ năng lực và nguồn lực nội bộ nhằm quản lý các chuỗi cung ứng luôn thay đổi và luân phiên này. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần tiếp nhận các công nghệ như quy trình tự động hóa để giảm thiếu các chi phí phát sinh, gia tăng hiệu quả và tận dụng tốt dữ liệu.

Xây dựng chiến lược về làn sóng công nghệ mới

Công nghệ đang được xem là vấn đề trọng tâm trong quan hệ Mỹ – Trung Quốc và làm nhòe đi ranh giới giữa cạnh tranh kinh tế và an ninh quốc gia. Điều này được thể hiện trong quyết định của Hoa Kỳ nhằm liệt Huawei vào danh sách đen đầu năm nay. Xung đột đang dần đè nặng lên ngành công nghiệp điện tử và công nghệ của cả hai nước, không có dấu hiệu rõ ràng nào về phương hướng giải quyết.

Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là một trong những khu vực tiên tiến nhất trong việc triển khai và ươm mầm các công nghệ mới. Khu vực này hiện cũng đang dẫn đầu về phát triển 5G - một công cụ tiềm năng nhằm thay đổi cuộc chơi của nhiều doanh nghiệp. Trong khi khả năng về công nghệ của Trung Quốc đang tiến bộ ở tốc độ chóng mặt thì Mỹ vẫn phải đang nỗ lực để đuổi kịp.

Bất chấp chiến tranh thương mại, kỳ vọng vào đầu tư công nghệ trong khu vực cho thấy một bức tranh phức tạp khi mà hầu hết các quốc gia Đông Nam Á  đều dự đoán một mức tăng trưởng đáng kể. Các doanh nghiệp Ấn Độ dự kiến tăng trưởng ròng của đầu tư công nghệ ở mức 75%, Indonesia dự kiến mức tăng 74% trong 12 tháng tới. Theo IBR, đầu tư công nghệ ở Việt Nam được kì vọng sẽ tăng 63%.

Thích ứng với quy định quốc tế để vươn ra thị trường mới

Khi các doanh nghiệp lớn ở Châu Á - Thái Bình Dương đang trên đà hội nhập với chuỗi cung ứng toàn cầu, người tiêu dùng ở các nước phát triển ngày càng đòi hỏi cao hơn về việc đáp ứng các yêu cầu về tuân thủ pháp lý và chuẩn mực. Tại Anh, Mỹ và Châu Âu, mối quan tâm của các nhà quản lý đều hướng về thực hành của chuỗi cung ứng, vì họ có thể dễ dàng phải đối mặt với các kiện tụng pháp lý - ví dụ như các trường hợp liên quan đến luật chống hối lộ - hoặc đối mặt với việc hủy hoại danh tiếng nếu các nhà cung cấp không đạt được các chuẩn mực đạo đức.

Tuy nhiên, việc triển khai các yêu cầu luật pháp quốc tế là một thách thức lớn và tiến độ thực hiện thường chậm hơn đối với các nước có chỉ số nhận thức tham nhũng rất thấp. Trên thực tế, IBR chỉ ra rằng có 43% các doanh nghiệp dẫn đầu tại Việt Nam thừa nhận rằng quy định ngặt nghèo và phức tạp là một rào cản cho việc mở rộng ra thị trường quốc tế. Chỉ số này được ghi nhận ớ mức 44% tại các nền kinh tế mới nổi APAC và 28% tại các quốc gia đã phát triển trong khu vực.

Các doanh nghiệp nên đối đầu với những thách thức chiến lược dài hạn

Các doanh nghiệp Châu Á Thái Bình Dương đang phải đối mặt với một thời kỳ biến động chưa từng có khi phải lèo lái qua một thực tế kinh tế mới mẻ. Trong khi vẫn tồi tại các bất ổn, các doanh nghiệp nên tìm cách đảm bảo chuỗi cung ứng trong tương lai; khai thác cải tiến công nghệ và giải quyết một số vấn đề liên quan đến tuân thủ quốc tế nhằm thích nghi với các thị trường rộng lớn hơn. Tất cả những điều này sẽ có thể giảm bớt một phần rủi ro và mang lại các lợi ích đáng kể.

Ông Nguyễn Chí Trung, Tổng Giám đốc, Grant Thornton Việt Nam chia sẻ: “Chiến tranh thương mại chắc chắn sẽ tạo ra những tác động đến thương mại và chuỗi cung ứng trên phạm vị toàn cầu, để đối mặt, các doanh nghiệp cần cân nhắc về chiến lược phát triển của mình trong tương lai để tận dụng và biến những ảnh hưởng này thành các cơ hội phát triển.”

Xếp hạng về mức độ kỳ vọng của Việt Nam trong 12 tháng tiếp theo như sau:

Hạng 1 trong kỳ vọng tăng nguồn nhân lực với mức 70%

Hạng 2 trong kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu với mức 60%, xếp sau Ấn Độ (65%)

Hạng 2 trong kỳ vọng tăng lợi nhuận với mức 80%, xếp sau Nigeria (89%)

Hạng 2 trong kỳ vọng tăng dự án đầu tư xây dựng mới với mức 57%, xếp sau Nigeria (62%)

Hạng 2 trong kỳ vọng tăng đầu tư vào nhà máy và thiết bị với mức 64%, xếp sau Nigeria (72%)

Hạng 3 trong kỳ vọng tăng doanh thu với mức 76%, xếp sau Nigeria (90%) và Indonesia (79%).

Hạng 3 trong kỳ vọng tăng thu nhập của người lao động với mức 81%, sau Thụy Điển (87%) và Ấn Độ (86%)

Hạng 3 trong kỳ vọng tăng cường nghiên cứu & phát triển (R&D) ở mức 67%, sau Nigeria (77%) và Nam Phi (70%)

 

[i] Vietnam Briefing, June 2019

 

-Kết thúc-

 

Để được hỗ trợ và giải đáp thắc mắc, vui lòng liên hệ:

Linh Ngô

Bộ phận Tiếp thị và Truyền thông

D +84 28 3910 9126

M +84 0909 140 790

E  linh.ngo@vn.gt.com  

Sao chép nội dung