Corporate Sustainability Reporting Directive (“CSRD”), tạm dịch là Chỉ thị Báo cáo Phát triển Bền vững Doanh nghiệp đã có hiệu lực vào ngày 05 tháng 01 năm 2023. CSRD sửa đổi Chỉ thị Báo cáo Phi Tài chính (NFRD, Non-Financial Reporting Directive) năm 2014. Mục tiêu của CSRD là giúp các doanh nghiệp tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình báo cáo; mở rộng phạm vi quản lý và báo cáo liên quan đến rủi ro và cơ hội phát triển bền vững; đồng thời cũng khuyến khích các doanh nghiệp hoạch định chiến lược để cải thiện tính bền vững.

Khoảng 50.000 công ty sẽ được yêu cầu báo cáo về tính bền vững, bao gồm các công ty lớn của EU, cũng như các doanh nghiệp đã niêm yết với quy mô vừa và nhỏ.

Ảnh hưởng đến các Công ty không thuộc EU

Các doanh nghiệp không thuộc EU nhưng hoạt động ở EU có khả năng bị yêu cầu tuân thủ CSRD, bất kể tình trạng có niêm yết hay không. Các doanh nghiệp này sẽ phải thuyết minh về tính bền vững nếu:

  1. Doanh thu hàng năm ghi nhận ở EU (trên báo cáo tài chính hợp nhất hoặc báo cáo tài chính riêng) vượt quá 150 triệu Euro trong hai năm tài chính liên tiếp gần nhất, và
  2. Doanh nghiệp có tối thiểu 1 công ty con ở EU (có thể là một công ty tại EU có quy mô lớn, hoặc một công ty tại EU niêm yết trên thị trường do EU quy định mà không phải là một công ty có quy mô siêu nhỏ), hoặc một chi nhánh tại EU với doanh thu hàng năm vượt hơn 40 triệu Euro so với năm tài chính trước.

Mặc dù CSRD sẽ có hiệu lực đối với các doanh nghiệp theo quy định vào năm 2024, nhưng các công ty nên bắt đầu xây dựng cơ chế báo cáo ESG nội bộ của mình trong năm 2023 để sẵn sàng cho việc công bố thông tin CSRD năm 2024.

Vui lòng truy cập vào liên kết link này để xem bài viết đầy đủ (Tiếng Anh), các chuyên gia tại Grant Thornton luôn sẵn sàng hỗ trợ quý khách hàng.