Trong bản tin này, Grant Thornton Việt Nam xin được cập nhật tới Quý khách hàng các chính sách pháp luật Hải quan quan trọng vừa được ban hành trong thời gian qua
Contents

1. Thông tư 10/2022/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số quy định thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hóa trong hiệp định thương mại ASEAN

Ngày 01/06/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 10/2022/TT-BCT để sửa đổi, bổ sung một về thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN. Theo đó, bên cạnh việc bãi bỏ hiệu lực 03 phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 19/2020/TT-BCT, Thông tư này đã ban hành 03 phụ lục để thay thế một số điều khoản tại Thông tư 22/2016/TT-BCT bao gồm:

  • Phụ lục I - Cấp và kiểm tra C/O
  • Phụ lục II - Mẫu C/O mẫu DPhụ lục III - Hướng dẫn kê khai C/O

Mặc dù thông tư có hiệu lực từ 16/7/2022, tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý rằng riêng C/O mẫu D theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 19/2020/TT-BCT được cấp đến hết ngày 31 tháng 10 năm 2022. Từ ngày 01/11/2022 trở về sau, doanh nghiệp cần lưu ý áp dụng Mẫu C/O phù hợp để đảm bảo được chấp thuận bởi CQHQ tránh trường hợp bị bác bỏ ưu đãi thuế quan.

2. Thông tư 31/2022/TT-BTC về việc ban hành danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu

Nhằm mục đích cập nhật danh mục hàng hóa phù hợp với tình hình hiện tại, ngày 08/6/2022 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 31/2022/TT-BTC nhằm thay thế Thông tư 65/2017/TT-BTC và Thông tư số 09/2019/TT-BTC về danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu. Theo đó, Ban hành kèm theo Thông tư này là 02 phụ lục bao gồm:

  • Phụ lục I - Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.
  • Phụ lục II - Sáu (6) quy tắc tổng quát giải thích việc phân loại hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam dựa trên Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa của Tổ chức Hải quan thế giới.

Về tổng quan, Thông tư 31 đã đề cập rõ ràng hơn về tên gọi và mô tả hàng hóa trong danh mục và chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2022. Trong 4 tháng tiếp theo trước khi áp dụng danh mục hàng hóa XNK theo Thông tư 31, các doanh nghiệp được khuyến nghị nghiên cứu áp dụng phân loại đúng mã hàng hóa theo quy định tránh trường hợp áp dụng chưa phù hợp Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.

3. Công văn số 2054/TCHQ-GSQL về việc sử dụng hóa đơn điện tử cho hàng hóa xuất khẩu

Để giải đáp thắc mắc của người nộp thuế về việc phát hành hóa đơn điện tử cho hàng hóa/ dịch vụ xuất khẩu sau khi các doanh nghiệp chuyển sang áp dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Ngày 03/6/2022, Tổng cục Hải quan đã ban hành công văn số 2054/TCHQ-GSQL hướng dẫn doanh nghiệp về việc sử dụng hóa đơn thương mại và hóa đơn GTGT điện tử đối với hàng hóa/dịch vụ xuất khẩu, theo đó:

  • Đối với hoạt động xuất khẩu, doanh nghiệp cần xuất cả hóa đơn thương mại theo thông lệ quốc tế (hàng hóa xuất khẩu) và hóa đơn GTGT điện tử (hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu) để đảm bảo thực hiện theo pháp luật thuế và Hải quan của Việt Nam
  • Hóa đơn thương mại phát hành trước khi làm thủ tục hải quan, trong khi đó hóa đơn GTGT điện tử phát hành khi doanh nghiệp xuất khẩu hoàn thành thủ tục kê khai hải quan.
    Như vậy, để đảm bảo tuân thủ theo quy định pháp luật về thuế cũng như thông lệ thương mại quốc tế/quy định kê khai thủ tục hải quan, các doanh nghiệp cần thực hiện phát hành cả hai loại hóa đơn theo quy định. Doanh nghiệp được khuyến nghị nên thực hiện làm bảng đối chiếu giữa hóa đơn thương mại và hóa đơn GTGT điện tử không chỉ để đảm bảo tính đầy đủ, đạt yêu cầu cho bộ hồ sơ xuất khẩu mà còn phục vụ cho yêu cầu kê khai thuế GTGT và hoàn thuế tương ứng.

4. Công văn số 2426/TCHQ-TXNK về việc hướng dẫn khai mã số hàng hóa (mã HS) cho mặt hàng vải không dệt

Ngày 21/6/2022, Tổng cục Hải quan đã ban hành công văn số 2426/TCHQ-TXNK về việc hướng dẫn khai mã số hàng hóa (HS code) cho mặt hàng vải không dệt. Cụ thể như sau:

  • Người nộp thuế nên căn cứ tài liệu kỹ thuật, bản phân tích thành phần của nhà sản xuất, thực tế hàng hóa,...để khai báo thông tin của hàng hóa như vải không dệt bằng sợi filament nhân tạo hay xơ staple hay loại xơ, sợi khác, đã được ngâm tẩm, tráng phủ hoặc ép lớp hay chưa, màu sắc, trọng lượng, kích cỡ,... và đối chiếu với mô tả tại Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam để khai báo mã số phù hợp.
  • Như vậy, đối với bất kỳ mặt hàng hóa cần xác định mã số (HS code), các doanh nghiệp nên thực hiện thu thập kết quả phân tích thành phần cấu thành hàng hóa/nguyên vật liệu và đối chiếu với danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (từ ngày 1/12/2022 áp dụng Thông tư 31/2022/TT-BTC) để tránh việc sai sót ảnh hưởng mức thuế nhập khẩu.

Quý doanh nghiệp vui lòng nghiên cứu nội dung trong các quy định mới ban hành và rà soát lại quy trình tuân thủ nội bộ để tuân thủ với quy định về thuế và hải quan cũng như giảm thiếu các sai sót trong quá trình lập và chuẩn bị hồ sơ dẫn đến phát sinh thêm nghĩa vụ thuế hoặc các khoản phạt hành chính. Xin vui lòng liên hệ với các chuyên gia của Grant Thornton Việt Nam để được tư vấn chuyên sâu nếu quý doanh nghiệp có bất cứ thắc mắc nào trong quá trình triển khai công tác tuân thủ về thuế và hải quan.