article banner
Du lịch và nghỉ dưỡng

Khảo sát Ngành dịch vụ Khách sạn 2016

Báo cáo Khảo sát Ngành dịch vụ khách sạn năm 2016 thực hiện bởi Grant Thornton trình bày các thông tin tài chính, hoạt động cũng như tiếp thị cho năm tài chính 2015 của các khách sạn và khu nghỉ dưỡng 4 và 5 sao tại Việt Nam.

Để thuận tiện cho việc trình bày, từ “Khách sạn” dùng trong báo cáo là để chỉ cả khách sạn và khu nghỉ dưỡng, với số liệu được thực hiện cho các khách sạn từ 4 và 5 sao. Số liệu thống kê được trình bày theo Xếp loại sao (xếp hạng khách sạn), Vùng miền (vị trí khách sạn) và Quy mô khách sạn (số phòng).
Khi trình bày số liệu thống kê, quy mô khách sạn được xếp hạng từ nhỏ đến lớn, cụ thể là khách sạn nhỏ hơn 75 phòng, khách sạn từ 75 đến 150 phòng và khách sạn lớn hơn 150 phòng.

Cuối cùng, vùng miền của khách sạn được phân chia theo ba khu vực chính của Việt Nam là miền Bắc, miền Trung – Tây Nguyên và miền Nam. Với miền Bắc, các khách sạn tham gia khảo sát tập trung chủ yếu tại thủ đô Hà Nội, Sapa và Quảng Ninh. Tại miền Trung – Tây Nguyên, các khách sạn tham gia khảo sát ở các thành phố Đà Nẵng, Hội An, Huế, Khánh Hòa, Quảng Bình, Phan Thiết, Đắk Lắk và Đà Lạt. Miền Nam, các khách sạn được khảo sát tập trung tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Vũng Tàu và khu vực sông Mê Kông.

Trong cuộc khảo sát năm nay, giống như năm trước, chúng tôi không bao gồm phân khúc khách sạn 3 sao, nguyên nhân là do sự hạn chế về số lượng tham gia cũng như sự thay đổi đáng kể trong thành phần nhóm khách sạn tham gia khảo sát. Vì vậy, bản khảo sát năm nay vẫn chỉ tập trung vào thị trường khách sạn cao cấp tại Việt Nam gồm phân khúc khách sạn 4 và 5 sao.

Năm 2016 đánh dấu năm đầu tiên Grant Thornton Thái Lan và Philippines cùng thực hiện Khảo sát Ngành dịch vụ khách sạn tại chính quốc gia của họ, nhờ vậy chúng tôi có thể cung cấp những thông tin về hoạt động của Ngành dịch vụ khách sạn ở các nước trong khu vực.
Báo cáo này cung cấp cho người đọc một cái nhìn vừa tổng quát vừa chi tiết về hoạt động của các khách sạn tại Việt Nam thông qua việc trình bày dữ liệu phân tích theo nhiều khía cạnh khác nhau như tiện nghi khách sạn, nhân sự, số liệu tài chính và số liệu thị trường. Trong phần phân tích tài chính, số liệu kết quả hoạt động được trình bày theo chỉ số thu nhập thuần trước lãi, thuế và khấu hao (“EBITDA”), để đảm bảo việc so sánh hợp lý giữa các khách sạn. Đơn vị tiền tệ được sử dụng là Đô la Mỹ.

Như sẽ được trình bày cụ thể hơn ở phần tiếp theo của báo cáo, tất cả các thông tin trong bản báo cáo này được trình bày dưới dạng phần trăm hoặc số liệu trung bình. Ví dụ, ở phần số liệu tài chính, các chỉ tiêu có đơn vị Đô la Mỹ được trình bày dưới dạng phần trăm của tổng doanh thu. Trong phần phân tích số liệu thị trường và các lĩnh vực khác, số liệu thống kê được trình bày theo dạng số trung bình.
Để tiện cho việc so sánh, báo cáo trình bày kết quả cuộc khảo sát theo từng lĩnh vực khảo sát cùng với những phát hiện chính. Trong phần phụ lục, người đọc có thể tham khảo thêm các bảng giá trị lớn nhất, nhỏ nhất và bình quân của các số liệu được thống kê trong hai năm tài chính 2015. Tuy nhiên, bản báo cáo này không có mục đích đưa ra số liệu về kết quả hoạt động của ngành khách sạn tại Việt Nam. Các số liệu và tỉ lệ trình bày trong báo cáo này không nên được xem là tiêu chuẩn đánh giá cho bất kỳ loại hình khách sạn nào.

Người sử dụng báo cáo này cần lưu ý rằng không phải tất cả các thay đổi trong các số liệu khảo sát giữa các năm là các thay đổi của tình hình thực tế. Đôi khi kết quả thay đổi là do sự thay đổi của tập hợp các đối tượng tham gia khảo sát. Người đọc cũng nên lưu ý rằng do các hạn chế về dữ liệu phân tích dựa trên số lượng mẫu thống kê nhất định, các kết quả khảo sát chỉ mang tính tham khảo.