article banner
Bản tin Thuế

Cập nhật các văn bản quy định pháp luật mới và chính sách quan trọng về thuế và hải quan

1. Thông tư 80/2021/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP

Ngày 29/09/2021, Bộ Tài Chính đã ban hành 80/2021/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Thông tư 81 bãi bỏ các thông tư:

  • Thông tư 156/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật Quản lý thuế, Luật sửa đổi Luật Quản lý thuế và Nghị định 83/2013/NĐ-CP.
  • Thông tư 99/2016/TT-BTC hướng dẫn quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng;
  • Thông tư 31/2017/TT-BTC sửa đổi Thông tư 99/2016/TT-BTC hướng dẫn quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng.
  • Thông tư 208/2015/TT-BTC về hoạt động của hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn;
  • Thông tư 71/2010/TT-BTC hướng dẫn ấn định thuế đối với cơ sở kinh doanh xe ô tô, xe hai bánh gắn máy ghi giá bán xe ô tô, xe hai bánh gắn máy trên hóa đn giao cho người tiêu dùng thấp hơn giá giao dịch thông thường trên thị trường.
  • Thông tư 06/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 34a Thông tư 156/2013/TT-BTC.
  • Thông tư 79/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung tiết b1 điểm b khoản 4 Điều 48 Thông tư 156/2013/TT-BTC.

Thông tư 80/2021/TT-BTC ra đời đã thay thế toàn bộ các mẫu hồ sơ khai thuế hiện hành được áp dụng từ kỳ tính thuế bắt đầu từ 01/01/2022 trở đi. Hồ sơ quyết toán thuế năm 2021 cũng được sử dụng mẫu biểu mới theo thông tư này. Thông tư 80 ra đời với rất nhiều thay đổi so với quy định quản lý thuế hiện tại với mục đích cung cấp hướng dẫn chi tiết hơn và làm rõ Nghị Định 126/2020/NĐ-CP và thay đổi hệ thống quản lý thuế với tinh thần làm tinh giảm quy trình và hỗ trợ người nộp thuế.

2. Thông tư 100/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn về thuế GTGT, thuế TNCN và quản lý thuế của hộ cá nhân kinh doanh

Ngày 15/11/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 100/2021/TT-BTC sửa đổi bổ sung một số điều Thông tư 40, trong đó có một số điều chỉnh đáng chú ý như:

  • Chủ Sàn giao dịch thương mại điện tử kê khai nộp thuế thay cho cá nhân trên cơ sở ủy quyền. Trước đây, Thông tư 40 yêu cầu bắt buộc chủ Sàn giao dịch thương mại điện tử phải kê khai nộp thuế thay cũng như cung cấp các thông tin của các cá nhân kinh doanh trên sàn.
  • Cá nhân cho thuê tài sản không trọn năm có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thuộc diện không phải nộp thuế GTGT và TNCN. Thông tư 40 trước đây đưa ra ví dụ theo đó áp dụng 12-tháng liên tục để xác định mức doanh thu tới mức chịu thuế, do đó dẫn tới trường hợp cá nhân thu nhập trong năm dưới 100 triệu đồng vẫn có thể thuộc đối tượng chịu thuế GTGT và TNCN (do thu nhập trong 12-tháng liên tục lại vượt mức chịu thuế).

Thông tư 100 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

3. Nghị định 102/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ dung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính

Ngày 16/11/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ dung một số điều của các Nghị định về sử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc Nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập. Một số nội dung chính như sau:

  • Phạt tiền từ 20-50 triệu đồng đối với hành vi cho, bán hóa đơn, trừ hành vi: Cho, bán hóa đơn đặt in chưa phát hành; cho, bán hóa đơn đặt in của khách hàng đặt in hóa đơn cho tổ chức, cá nhân khác
  • Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn là 02 năm (thay vì 01 năm như hiện hành) từ ngày 01/01/2022
  • Sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 4 Điều 26 xử phạt hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn. Cụ thể, phạt tiền từ 4-8 triệu đồng đối với một trong các hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã phát hành, đã mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập; làm mất, cháy, hỏng hoá đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) trong quá trình sử dụng, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ, tài liệu, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ.
  • Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập, đã khai thuế trong quá trình sử dụng hoặc trong thời gian lưu trữ, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 26

Nghị định 102/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

4. Quyết định 33/2021/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid

Ngày 06/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 33/2021/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid. Cụ thể:

  • Mở rộng điều kiện hưởng hỗ trợ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg cho người sử dụng lao động đã đóng đủ bảo hiểm xã hội hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 01/2021 mà bị ảnh hưởng dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 10% số lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị so với tháng 01/2021.
  • Ban hành mẫu xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội về việc người sử dụng lao động đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ và đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động tham gia đào tạo.
  • Sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được nhận hỗ trợ. Cụ thể người lao động thuộc đối tượng được nhận hỗ trợ theo quyết định khi bị buộc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động, từ 15 ngày liên tục trở lên, có thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 01/05/2021 đến ngày 31/12/2021 và đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương hoặc tại tháng liền kề trước đó.

5. Quyết định 1490/QĐ-TCT về việc ban hành Quy chế tham vấn trực tiếp trong hoạt động giải quyết khiếu nại tại cơ quan thuế

Quyết định số 1490/QĐ-TCT ngày 22/10/2021 của Tổng Cục Thuế về việc ban hành Quy chế tham vấn trực tiếp trong hoạt động giải quyết khiếu nại tại cơ quan thuế. Về vấn đề này, quyết định đưa ra một số nội dung đáng chú ý như sau:

  • Việc tổ chức tham vấn trực tiếp được xem xét trên cơ sở một hoặc nhiều yếu tố như: nội dung khiếu nại có tính chất phức tạp; số tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp lớn; có nhiều quan điểm khác nhau khi áp dụng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật; liên quan đến các chính sách pháp luật khác ngoài chính sách pháp luật về thuế…
  • Kết quả tham vấn là cơ sở để báo cáo Thủ trưởng cơ quan thuế xem xét, tham khảo trước khi quyết định phương án giải quyết khiếu nại.
  • Với trường hợp phương án giải quyết khiếu nại có trên 50-70% tổng số thành viên tham gia biểu quyết thống nhất, đơn vị chủ trì tổ chức tham vấn báo cáo Thủ trưởng cơ quan thuế xem xét giải quyết khiếu nại theo phương án đó hoặc tiếp tục tổ chức tham vấn lần tiếp theo.
  • Nêu ra quyền và trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình tham vấn

6. Công văn 4144/TCT-CS của Tổng cục Thuế giới thiệu các nội dung mới tại Thông tư 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 hướng dẫn về hóa đơn, chứng từ

Ngày 28/10/2021, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn 4144/TCT-CS của Tổng cục Thuế giới thiệu các nội dung mới tại Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 hướng dẫn về hóa đơn, chứng từ mà chúng tôi đã nói tới trong bản tin trước. Công văn này tóm tắt lại một số nội dung nổi bật như sau để doanh nghiệp lưu ý:

  • Người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác được quyền ủy nhiệm cho bên thứ ba là bên có quan hệ liên kết với người bán theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP, là đối tượng đủ điều kiện sử dụng hóa đơn điện tử và không thuộc trường hợp ngừng sử dụng hóa đơn điện tử để lập hóa đơn điện tử cho hoạt động bán hàng hóa, dịch vụ. Việc ủy nhiệm phải được lập bằng văn bản (hợp đồng ủy nhiệm hoặc thỏa thuận ủy nhiệm) giữa hai bên. Đồng thời, bên ủy nhiệm và bên nhận ủy nhiệm phải đăng ký với cơ quan thuế.
  • Trường hợp HĐĐT có sai sót, đã được xử lý lần đầu (điều chỉnh hoặc thay thế) nhưng vẫn còn sai sót, thì các lần tiếp theo thực hiện như lần đầu xử lý sai sót. Người bán được lựa chọn thông báo điều chỉnh cho từng hóa đơn có sai sót hoặc thông báo điều chỉnh cho nhiều hóa đơn điện tử có sai sót đến cơ quan thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của kỳ kê khai thuế GTGTphát sinh hóa đơn điện tử điều chỉnh.
  • Trường hợp doanh nghiệp đã thông báo phát hành hóa đơn đặt in, hóa đơn tư in, hóa đơn điện tử không có mã hoặc đã đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, đã mua hóa đơn của cơ quan thuế trước ngày Thông tư 78 được ban hành (17 tháng 9 năm 2021) thì được tiếp tục sử dụng hóa đơn đang sử dụng đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2022.
  • Doanh nghiệp mới thành lập trong thời gian từ ngày Thông tư 78 được ban hành đến hết ngày 30/06/2022 nếu đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin và được cơ quan thuế thông báo thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử, thì đơn vị thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan thuế.

7. Miễn thuế TNCN với một số khoản chi phí và lợi ích liên quan tới dịch Covid-19

  • Công văn số 4110/TCT-DNNCN của Tổng cục Thuế

Ngày 17/10/2021, Tổng cục Thuế ban hành Công văn số 4110/TCT-DNNCN về chính sách thuế đối với khoản chi phí liên quan đến dịch Covid-19. Cụ thể các chi phí phòng chống dịch thực tế phát sinh và có đầy đủ hóa đơn chứng từ sau  được hạch toán và miễn thuế TNCN bao gồm:

    • Chi phí cách ly y tế ở trong nước và tại nước ngoài đối với trường hợp đi công tác nước ngoài như: tiền ăn, ở, xét nghiệm Covid-19;
    • Chi phí đưa đón từ nơi nhập cảnh vào Việt Nam hoặc đưa từ nơi phát hiện đến cơ sở cách ly;
    • Chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế;
    • Chi phí xét nghiệm Covid-19 hoặc mua kit xét nghiệm cho người lao động, mua thiết bị bảo vệ người lao động khỏi nguy cơ lây nhiễm trong quá trình làm việc;
    • Chi phí ăn ở khi người lao động làm việc "3 tại chỗ".

 

  • Công văn 4102/TCT-DNNCN của Tổng cục Thuế

Ngày 25/10/2021, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn 4102/TCT-DNNCN hướng dẫn vướng mắc về việc xác định thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động. Cụ thể, trường hợp người sử dụng lao động hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động phòng, chống Covid-19 theo quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 thì khoản tiền hỗ trợ này không chịu thuế TNCN đối với người lao động.

8. Công văn 4125/TCHQ-TXNK về tiêu hủy hàng hóa nhập khẩu

Ngày 20/8/2021, Tổng cục Hải Quan ban hành Công văn số 4125/TCHQ-TXNK về thủ tục hải quan khi tiêu hủy nguyên vật liệu, sản phẩm xuất khẩu, phế liệu phế phẩm, máy móc thiết bị tạo tài sản cố định, cụ thể:

  • Về việc gửi thông báo cho cơ quan hải quan trước khi tiêu hủy hàng hóa nhập sản xuất xuất khẩu mã loại hình E31:

Hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu phải tiêu hủy gồm: Nguyên vật liệu, vật tư dư thừa, phế liệu, phế phẩm, thành phẩm hư hỏng phải tiêu hủy kể từ ngày 25/4/2021 (ngày có hiệu lực của Nghị định số 18/2021/NĐ-CP) được miễn thuế nhập khẩu. Doanh nghiệp phải có văn bản thông báo với cơ quan hải quan trước khi tiêu hủy, nêu rõ hình thức tiêu hủy, địa điểm tiêu hủy. Việc tiêu hủy phải thực hiện theo quy định của pháp luật về môi trường.

  • Về việc tiêu hủy hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định:

Việc tiêu hủy hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định đã được miễn thuế theo quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phải tuân theo quy định và có sự giám sát trực tiếp của công chức hải quan. Trước khi tiêu hủy, người nộp thuế phải thông báo cho cơ quan hải quan về hàng hóa tiêu hủy, lý do tiêu hủy, thời gian và địa điểm tiêu hủy, văn bản cho phép tiêu hủy của cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Trường hợp hàng hóa được phép tiêu hủy và thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật thì được miễn thuế nhập khẩu.

9. Công văn 4783/TCHQ-TXNK về xử lý hàng hóa sản xuất xuất khẩu được phép tiêu hủy

Ngày 08/10/2021, Tổng cục Hải quan đã ban hành công văn hướng dẫn xử lý thuế đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu, sản phẩm sản xuất xuất khẩu, phế liệu, phế phẩm tạo thành trong quá trình sản xuất có nhu cầu tiêu hủy được thực hiện như sau:

  • Đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu chưa đưa vào sản xuất; phế liệu, phế phẩm cần tiêu hủy:
    • Trường hợp nguyên liệu, vật tư nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu, phế liệu, phế phẩm tạo thành trong quá trình sản xuất được phép tiêu hủy và thực tế đã tiêu hủy theo quy định pháp luật hải quan thì được miễn thuế nhập khẩu.
    • Trường hợp sau khi tiêu hủy thu được sản phẩm khác Công ty tận dụng để bán vào nội địa thì phải kê khai, nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), thuế bảo vệ môi trường (nếu có), thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế.
  • Đối với thành phẩm đủ chất lượng trước khi xuất xưởng nhưng sau đó đưa đi thử nghiệm rồi tiêu hủy hoặc không tìm được thị trường xuất khẩu buộc phải tiêu hủy:
    • Trường hợp sản phẩm sản xuất được phép tiêu hủy và thực tế đã tiêu hủy theo quy định pháp luật hải quan thì được miễn thuế nhập khẩu.
    • Trường hợp sau khi tiêu hủy thu được sản phẩm khác Công ty tận dụng để bán vào nội địa thì phải kê khai, nộp thuế TTĐB (nếu có), thuế BVMT (nếu có), thuế GTGT cho cơ quan thuế.
  • Trường hợp sơ hủy nguyên liệu, vật tư nhập khẩu, thành phẩm:

Trường hợp sơ hủy nguyên liệu, vật tư, thành phẩm, bán thành phẩm sản xuất xuất khẩu để bán vào nội địa không được coi là phế liệu và không thuộc các trường hợp được miễn thuế nhập khẩu. Đối với trường hợp này, doanh nghiệp sẽ phải kê khai tờ khai hải quan mới, nộp đủ thuế đối với nguyên liệu, vật tư đã được sử dụng để sản xuất ra thành phẩm, bán thành phẩm phải sơ hủy.

10. Công văn số 7074/TXNK-CST về hàng hóa nhập khẩu tại chỗ để sản xuất xuất khẩu

Ngày 15/9/2021, Tổng cục Hải quan đã ban hành công văn hướng dẫn về chính sách thuế đối với trường hợp doanh nghiệp nội địa nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu tại chỗ từ doanh nghiệp chế xuất, khu phi thuế quan và từ doanh nghiệp nội địa khác tại Việt Nam theo chỉ định của thương nhân nước ngoài theo loại hình sản xuất xuất khẩu, cụ thể:

  • Trường hợp doanh nghiệp nội địa nhập khẩu hàng hóa trực tiếp từ doanh nghiệp chế xuất để sản xuất hàng xuất khẩu thông qua hợp đồng mua bán thì được miễn thuế nhập khẩu nếu đáp ứng các quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 134/2016/NĐ-CP. Tờ khai sử dụng mã loại hình E31 – nhập nguyên liệu sản xuất xuất khẩu, được miễn thuế nhập khẩu, không chịu thuế GTGT.
  • Trường hợp doanh nghiệp chế xuất bán hàng cho tổ chức, cá nhân nước ngoài nhưng được tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ định giao hàng cho doanh nghiệp nội địa thông qua hợp đồng mua bán giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp nước ngoài thì hàng hóa do doanh nghiệp nội địa nhập khẩu tại chỗ từ doanh nghiệp chế xuất được miễn thuế nhập khẩu nếu đáp ứng các quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 134/2016/NĐ-CP. Tờ khai sử dụng mã loại hình E31 – nhập nguyên liệu sản xuất xuất khẩu, được miễn thuế nhập khẩu, không chịu thuế GTGT.
  • Trường hợp doanh nghiệp nội địa ký mua hàng hóa với thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam, được thương nhân nước ngoài chỉ định nhận hàng hóa từ doanh nghiệp khác tại Việt Nam thì sản phẩm nhập khẩu tại chỗ đăng ký tờ khai theo loại hình nhập kinh doanh (A11) hoặc nhập kinh doanh sản xuất (A12), phải kê khai nộp thuế nhập khẩu.

Đối với các loại thuế khác doanh nghiệp phải kê khai nộp thuế tương ứng với mã loại hình tờ khai A11, A12.

Khi sản phẩm nhập khẩu tại chỗ đưa vào sản xuất và thực xuất khẩu ra nước ngoài hoặc khu phi thuế quan thì doanh nghiệp được hoàn thuế nhập khẩu tương ứng với lượng nguyên vật liệu, vật tư nhập khẩu tại chỗ cấu thành trong sản phẩm đã xuất khẩu.