Trong bản tin này, Grant Thornton Việt Nam xin được cập nhật tới Quý khách hàng các chính sách pháp luật và các hướng dẫn đáng lưu ý trong lĩnh vực Quản lý ngoại hối, Đầu tư, Thuế, Bảo hiểm xã hội và lao động mới được ban hành trong thời gian qua.
Contents

1. Thông tư 08/2023/TT-NHNN ngày 30/06/2023 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định về điều khoản vay nước ngoài không được bảo lãnh chính phủ

Ngày 30/6/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư 08/2023/TT-NHNH quy định về điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2023 và sẽ bãi bỏ Thông tư 12/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014.

I. Về quy định chung

  • Bổ sung điều khoản áp dụng quy định pháp luật liên quan đối với Bên đi vay vay nước ngoài dưới hình thức phát hành trái phiếu quốc tế và Bên đi vay là doanh nghiệp nhà nước;
  • Bổ sung điều khoản quy định quy định khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm không phải tuân thủ các điều kiện vay nước ngoài được nêu tại Thông tư 08/2023/TT-NHNN;
  • Bổ sung nguyên tắc sử dụng vốn vay nước ngoài trong đó có nội dung cho phép doanh nghiệp được sử dụng nguồn tiền từ khoản vay (đã được rút vốn nhưng tạm thời chưa sử dụng cho các mục đích vay nước ngoài hợp pháp quy định tại Thông tư) để gửi tiền (kỳ hạn của mỗi khoản tiền gửi tối đa không quá 1 tháng) tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam;
  • Bổ sung các khái niệm, quy định cụ thể liên quan đến Phương án sử dụng vốn vay nước ngoài và Phương án cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài. Đối với trường hợp vay ngắn hạn nước ngoài của doanh nghiệp, cần lưu ý việc lập Bảng kê nhu cầu sử dụng vốn đính kèm Phương án sử dụng vốn vay nước ngoài.

II. Về điều kiện bổ sung đối với doanh nghiệp

  • Quy định cụ thề hơn về mục đích vay ngắn hạn và trung dài hạn nước ngoài, việc sử dụng vốn vay và tài liệu chứng minh mục đích vay nước ngoài. Trong đó, thông tư 08/2023/TT-NHNN đã bãi bỏ quy định về việc cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài của Bên đi vay mà không làm tăng chi phí đi vay.
  • Quy định cụ thế về giới hạn vay nước ngoài cho các mục đích khác nhau và tỷ giá sử dụng để tính toán giới hạn vay vốn.

III. Bổ sung quy định về trách nhiệm của từng bên liên quan bao gồm: Bên đi vay và Ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản.

2. Thông tư 05/2023/TT-BKHĐT quy định về mẫu báo cáo, chế độ thực hiện báo cáo hoạt động đầu tư định kỳ hàng quý và báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư dự án

Thông tư 05/2023/TT-BKHĐT (có hiệu lực từ 1/9/2023), thay thế Thông tư số 22/2015/TT-BKHĐT ngày 18 tháng 12 năm 2015 và Thông tư số 13/2016/TT-BKHĐT ngày 29 tháng 9 năm 2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thông tư 05/2023/TT-BKHĐT bổ sung quy định chi tiết về chế độ báo cáo trực tuyến, cập nhật thông tin và quản lý tài khoản báo cáo trực tuyến đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc lập và báo cáo về hoạt động giám sát, đánh giá đầu tư.

Trước ngày Thông tư này có hiệu lực, Nhà đầu tư thực hiện tuân thủ các báo cáo hoạt động đầu tư theo hướng dẫn tại Công văn số 1445/KH&ĐT-ĐTTĐ ngày 28 tháng 03 năm 2023 của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

3. Tờ trình và dự thảo nghị quyết về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu

Ngày 08/10/2021, tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra tuyên bố khung giải pháp hai trụ cột, trong đó trụ cột thứ hai đặt ra mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia nhằm ngăn các công ty này chuyển lợi nhuận sang quốc gia có thuế suất thấp để tránh thuế. Về tình hình triển khai Trụ cột 2 (Thuế tối thiểu toàn cầu), đối với các nước có vốn đầu tư ra nước ngoài, về cơ bản sẽ áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 để thu thêm phần chênh lệch từ mức thuế thực tế so với thuế tối thiểu toàn cầu (15%).

Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, Bộ tài chính đã gửi tờ trình về đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu áp dụng đối với các công ty thành viên, Công ty mẹ tối cao của Tập đoàn đa quốc gia có doanh thu trong báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty mẹ tối cao ít nhất 2 năm trong 4 năm liền kề trước năm tính thuế tương đương 750 triệu EUR trở lên (trừ một số trường hợp nhất định được quy định). Đồng thời, Quốc Hội cũng đã ban hành đề cương dự thảo Nghị quyết.

Nội dung chính của Nghị quyết bao gồm:

  • Quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (thời hạn kê khai và nộp thuế: chậm nhất là 12 tháng sau ngày kết thúc năm tính thuế;
  • Quy định về tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiếu (thời hạn kê khai và nộp thuế: chậm nhất là 15 tháng sau ngày kết thúc năm tính thuế

4. Công văn số 1995/BHXH-TCKT hướng dẫn về việc nộp tiền thu qua hệ thống ngân hàng

Nhằm giúp cơ quan BHXH đối soát, ghi nhận thông tin thanh toán nhanh chóng và chính xác để phục vụ cho việc giải quyết các quyền lợi của người tham gia được kịp thời, đúng chế độ chính sách, ngày 30/6/2023, cơ quan bảo hiểm xã hội đã ban hành hướng dẫn nộp tiền qua hệ thống ngân hàng. Cụ thể như sau:

a) Trường hợp đơn vị sử dụng tiện ích nộp BHXH trên Ứng dụng Mobile banking của Ngân hàng: Nhập, chọn thông tin nộp tiền.

b) Trường hợp đơn vị lập ủy nhiệm chi chuyển tiền theo các kênh khác: Cấu trúc nộp: +BHXH+103+00+Mã đơn vị+Mã Cơ quan BHXH+dong BHXH+

Chi tiết mã cơ quan BHXH được ban hành và hướng dẫn bằng văn bản bởi cơ quan BHXH địa phương.

5. Công văn số 46974/CTHN-TTHT hướng dẫn điều kiện và hồ sơ chứng minh giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc

Ngày 04/07/2023, cục thuế thành phố Hà Nội ban hành công văn số 46974/CTHN-TTHT quy định trường hợp người nộp thuế đăng ký người phụ thuộc là cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng); cha dượng, mẹ kế; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp đáp ứng điều kiện được tính là người phụ thuộc theo quy định tại điểm đ, khoản 1, điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC, đồng thời có đủ hồ sơ chứng minh người phụ thuộc theo quy định tại điểm g3, khoản 1, điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC (không yêu cầu thành phần hồ sơ phải có giấy tờ chứng minh thu nhập) của Bộ Tài chính thì người nộp thuế được khai giảm trừ gia cảnh khi xác định thu nhập chịu thuế TNCN theo quy định.

6. Công văn số 8999/CTTPHCM-TTHT ngày 19/7/2023 của Cục thuế TP. HCM về hướng dẫn lập hóa đơn điện tử đối với hoạt động trả hàng và chiết khấu thương mại

Theo đó, để đảm bảo thực hiện thống nhất nội dung hướng dẫn của Tổng cục Thuế (tại công văn số 2121/TCT-CS) về việc sử dụng hóa đơn điện tử, Cục Thuế TP. HCM hướng dẫn một số nội dung sau:

  • Về trường hợp người mua trả lại hàng hóa do không đúng quy cách, chất lượng, người bán lập hóa đơn hoàn trả hàng hóa với thuế suất thuế GTGT 8% nếu hàng hóa đã bán trước 01/01/2023 thuộc đối tượng giảm thuế GTGT với thuế suất 8%.
  • Về lập hóa đơn chiết khấu thương mại của hàng hóa được giảm thuế GTGT theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP được thống nhất nội dung tại công văn số 2121/TCT-CS của Tổng cục thuế. Trong đó, trường hợp cơ sở kinh doanh áp dụng hình thức chiết khấu thương mại dành cho khách hàng và đối với các khoản chiết khấu thương mại của hàng hóa được giảm thuế GTGT với thuế suất 8% đã bán trong năm 2022 nhưng từ 01/01/2023 mới xuất hóa đơn thể hiện nội dung chiết khấu thương mại thì:
  • Trường hợp số tiền chiết khấu được lập vào lần mua cuối cùng hoặc kỳ tiếp theo sau ngày 31/12/2022 thì số tiền chiết khấu của hàng hóa đã bán được tính điều chỉnh ở nội dung giá tính thuế, thuế suất thực hiện theo pháp luật hiện hành tại thời điểm lập hóa đơn.
  • Trường hợp số tiền chiết khấu được lập khi kết thúc chương trình (kỳ) chiết khấu sau ngày 31/12/2022 thì người bán lập hóa đơn điều chỉnh và áp dụng thuế suất thuế GTGT 8% tại thời điểm bán hàng.

7. Công văn số 11680/CTHDU-TTHT ngày 12/07/2023 của cục thuế tỉnh Hải Dương hướng dẫn thủ tục liên quan đến Doanh nghiệp chế xuất (“DNCX”) cho doanh nghiệp nội địa, chi nhánh, công ty con thuê máy móc.

Ngày 12/07/2023 cục thuế tỉnh Hải Dương ban hành công văn hướng dẫn thủ tục liên quan đến Doanh nghiệp chế xuất (“DNCX”) cho doanh nghiệp nội địa, chi nhánh, công ty con thuê máy móc như sau:

  • Trường hợp DNCX được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sử dụng máy móc thiết bị để thực hiện các hoạt động cho doanh nghiệp nội địa thuê thì DNCX phải hoàn trả ưu đãi số thuế đã được miễn, giảm đối với hoạt động chế xuất theo quy định của pháp luật về thuế. Đồng thời, DNCX phải thực hiện mở sổ kế toán hạch toán riêng doanh thu, chi phí liên quan đến hoạt động cho thuê máy móc thiết bị trong nội địa, không được hạch toán chung vào các hoạt động sản xuất. DNCX phải thực hiện đầy đủ thủ tục đăng ký thuế với cơ quan thuế và thực hiện các nghĩa vụ về thuế đối với hoạt động cho thuê này.
  • Trường hợp DNCX sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng điện tử (“GTGT”) theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP cho hoạt động cho thuê máy móc thiết bị thì DNCX kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ cho hoạt động nêu trên.
  • Về chi phí khấu hao máy móc thiết bị, DNCX thực hiện theo quy định tại Điều 38 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính. Máy móc thiết bị đã đăng ký chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan Hải quan và được theo dõi hạch toán riêng thì chi phí khấu hao của máy móc này không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp của hoạt động chế xuất theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TTBTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính.