Để tăng cường tính tuân thủ của các doanh nghiệp về việc thực hiện lập và nộp BCQT, ngày 27/06/2022 vừa qua, Tổng cục Hải quan đã ban hành Công văn số 2505/TCHQ-GSQL(“Công văn 2505”) đưa ra kế hoạch thanh kiểm tra đối với nhóm các doanh nghiệp có hoạt động Gia công, Sản xuất Xuất khẩu và Doanh nghiệp Chế xuất.

Theo kế hoạch được giao, cục Hải quan các tỉnh, thành phố cần hoàn thành kiểm tra BCQT năm 2021 của nhóm các doanh nghiệp nêu trên trước thời điểm nộp BCQT năm 2022. Theo quy định hiện hành, BCQT phải được chuẩn bị và nộp cho cơ quan hải quan quản lý trong vòng 90 ngày sau ngày kết thúc năm tài chính. Thời hạn được thực hiện điều chỉnh là trong 60 ngày tiếp theo nhưng phải trước thời điểm CQHQ ban hành quyết định thanh kiểm tra.

Theo kinh nghiệm của chúng tôi, do đặc điểm quản lý tại các doanh nghiệp lớn thường phân chia công việc riêng biệt giữa các phòng ban Tài chính Kế toán và Xuất nhập khẩu sẽ dẫn tới những chênh lệch tiềm tàng giữa số liệu khai báo trên hệ thống của CQHQ với số liệu kế toán nội bộ của doanh nghiệp. Trong phần lớn các trường hợp, các chênh lệch này khi không được chủ động phát hiện, phân tích và giải trình hợp lý với phía CQHQ trong quá trình thanh kiểm tra BCQT sẽ dẫn tới rủi ro cao bị ấn định và truy thu thuế tại các khâu xuất nhập khẩu của doanh nghiệp

Để chuẩn bị tốt hơn cho các cuộc thanh kiểm tra trong tương lai cũng như để hoàn thiện quy trình tuân thủ nội bộ, Quý doanh nghiệp nên sớm thực hiện các công tác rà soát nội bộ để đảm bảo các BCQT đã được chuẩn bị và nộp đúng theo quy định, cũng như phát hiện và giảm thiểu các sai sót không đáng có dẫn tới rủi ro phát sinh nghĩa vụ thuế tăng thêm tại các khâu xuất nhập khẩu như đã nêu ở trên. Xin vui lòng liên hệ với các chuyên gia tư vấn hải quan của Grant Thornton Việt Nam để được tư vấn chuyên sâu nếu quý doanh nghiệp có bất cứ thắc mắc nào trong quá trình triển khai các công tác lập và nộp BCQT hay các vấn đề tuân thủ khác liên quan đến thuế Xuất nhập khẩu và thủ tục hải quan tại doanh nghiệp.