article banner
Bản tin Thuế

Cập nhật các văn bản quy định pháp luật mới và chính sách quan trọng về thuế và hải quan

1. Thông tư 41/2021/TT-BTC hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 Việt Nam

Ngày 02/06/2021, Bộ Tài Chính đã bạn hành thông tư Thông tư 41/2021/TT-BTC hướng dẫn về  chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 Việt nam được thành lập theo Quyết định số 779/QĐ-TTg. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày ký. Căn cứ Thông tư 41, các tổ chức, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện cho Quỹ theo quy định tại Nghị định số 44/2021/NĐ-CP ngày 31/03/2021 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

2. Thông tư 43/2021/TT-BTC sửa đổi Khoản 11 Điều 10 Thông tư 219/2013/TT-BTC về thuế giá trị gia tăng (GTGT)

Ngày 11/06/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 43/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung khoản 11 Điều 10 Thông tư số 219/2013/TT ngày 31/12/2013 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015).

Theo đó, Bộ Tài Chính đã bổ sung nhiều trang, thiết bị y tế nhập khẩu được vào diện được áp dụng thuế suất GTGT 5% bao gồm: Các dụng cụ, thiết bị y tế có Giấy phép nhập khẩu hoặc Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành hoặc Phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn theo quy định pháp luật về y tế hoặc theo Danh mục trang thiết bị y tế thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 14/2018/TT-BYT ngày 15/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế và văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Thông tư 43/2021/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/08/2021.

3. Thông tư 37/2021/TT-BTC bãi bỏ Thông tư 179/2012/TT-BTC quy định về ghi nhận, đánh giá, xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái trong doanh nghiệp

Ngày 27/05/2021, Bộ tài chính ban hành Thông tư 37/2021/TT-BTC bãi bỏ Thông tư 179/2012/TT-BTC quy định về ghi nhận, đánh giá, xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái trong doanh nghiệp do Bộ Tài chính ban hành.

Việc bãi bỏ Thông tư 179 nói trên là nhằm thống nhất các quy định liên quan đến việc đánh giá số dư ngoại tệ cuối kỳ kế toán tại thời điểm lập báo cáo tài chính (sử dụng tỷ giá thực tế) và quy định về chia lợi nhuận đối với những khoản mục phi tiền tệ trong lợi nhuận sau thuế (như khoản đánh giá lại các khoản mục tiền tệ…). Sau khi Thông tư 179 được bãi bỏ, các quy định nêu trên được thực hiện thống nhất theo hướng dẫn tại Thông tư 200/2014/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/07/2021.

4. Thông tư 45/2021/TT-BTC nêu Các quy định mới về cơ chế Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (“APA”) ở Việt Nam, thay thế Thông tư 201/2013/TT-BTC (“Thông tư 201”)

Ngày 18/6/2021, Bộ Tài Chính đã ban hành Thông tư 45/2021/TT-BTC (“Thông tư 45”) hướng dẫn việc áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý GDLK. Một số điểm mới trong quy định về thực hiện APA được hướng dẫn tại Thông tư 45 và trước đó đã được quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP và Luật Quản lý thuế 2019 so với Thông tư 201 bao gồm:

  • Bước tham vấn được quy định là không bắt buộc.
  • Bộ Tài chính là cấp thẩm quyền phê duyệt.
  • Hiệu lực APA đã ký kết tối đa là 03 năm (so với 5 năm theo quy định tại Thông tư 201) nhưng không vượt quá số năm thực tế người nộp thuế đã hoạt động sản xuất kinh doanh và kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam.
  • Quy định chuyển tiếp: Đối với đề nghị áp dụng APA nộp trước ngày Thông tư 45 có hiệu lực nhưng chưa được ký kết và giai đoạn đề nghị áp dụng APA chưa kết thúc tính đến thời điểm Thông tư 45 có hiệu lực được tiếp tục giải quyết theo quy định tại Thông tư 45.

5. Thông tư 02/2021/TT-BCT quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len do Bộ Công thương ban hành

Ngày 11/6/2021, Bộ Công thương ban hành Thông tư 02/2021/TT-BCT quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định UKVFTA. Thông tư này gồm 5 Chương, 40 Điều và 8 Phụ lục kèm theo với một số điểm đáng chú ý sau:

  • Để hưởng ưu đãi thuế quan theo UKVFTA, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải được nộp cho cơ quan hải quan Việt Nam trong thời gian 2 năm kể từ thời điểm nhập khẩu. Cơ quan hải quan có thể yêu cầu bản dịch nếu chứng từ chứng nhận xuất xứ không phải bằng tiếng Anh;
  • Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong UKVFTA được triển khai như sau:
    • Đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam:
      • Với lô hàng có trị giá không quá 6.000 EUR, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ;
      • Với lô hàng có trị giá trên 6.000 EUR, áp dụng cơ chế C/O do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp.
    • Đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam:
      • Với lô hàng có trị giá không quá 6.000 EUR, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ;
      • Với lô hàng có trị giá trên 6.000 EUR, chỉ có nhà xuất khẩu đủ điều kiện theo quy định của UK mới được tự chứng nhận xuất xứ.

Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa có hiệu lực trong vòng 12 tháng kể từ ngày phát hành tại Nước thành viên xuất khẩu và phải nộp cho cơ quan hải quan Nước thành viên nhập khẩu trong thời hạn hiệu lực.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 27/6/2021.

6. Công văn 2393/TCT-DNNCN của Tổng cục thuế về kê khai thuế thu nhập cá nhân

Ngày 01/07/2021, Tổng Cục thuế đã ban hành Công văn số 2393/TCT-DNNCN giải đáp một số vướng mắc về kê khai thuế TNCN dựa trên Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 mới ban hành. Theo đó, hai điểm vướng mắc được giải đáp đáng lưu ý như sau:

  • Trường hợp các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan hành chính sự nghiệp, các cơ quan đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội,... có phát sinh trả thu nhập từ tiền lương, tiền công nhưng không phát sinh doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ thì thuộc đối tượng khai thuế thu nhập cá nhân theo quý.
  • Chỉ trường hợp tổ chức, cá nhân phát sinh trả thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân mới thuộc diện phải khai thuế thu nhập cá nhân. Do đó, trường hợp tổ chức, cá nhân không phát sinh trả thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân thì không thuộc diện điều chỉnh của Luật thuế Thu nhập cá nhân. Theo đó, tổ chức, cá nhân không phát sinh trả thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân tháng/quý nào thì không phải khai thuế thu nhập cá nhân của tháng/quý đó.

7. Công văn 1713/TCT-KK về giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư khác Tỉnh/TP

Ngày 26/05/2021, Tổng Cục Thuế đã trả lời công văn của cục thuế tỉnh Yên Bái và cung cấp hướng dẫn về giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT với dự án đầu tư khác tỉnh/TP giữa thời kỳ chuyển tiếp của luật. Theo công văn này, trường hợp cơ sở kinh doanh có dự án đầu tư tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở chính, đang trong giai đoạn đầu tư chưa đi vào hoạt động, chưa đăng ký kinh doanh, chưa đăng ký thuế thì lập hồ sơ khai thuế riêng cho dự án đầu tư. Nếu doanh nghiệp đề nghị hoàn thuế trên tờ khai thuế 02/GTGT kỳ tính thuế quý 4/2020 và gửi Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu NSNN theo mẫu 01/ĐNHT ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính thì Cục Thuế tỉnh Yên Bái kiểm tra hồ sơ của doanh nghiệp, căn cứ quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về thuế và tình hình thực tế tại doanh nghiệp để xử lý hoàn thuế theo đúng quy định. Tuy nhien, từ kỳ tính thuế tháng 1/2021 hoặc quý 1/2021 trở đi, người nộp thuế cần thực hiện kê khai, nộp thuế và hoàn thuế theo quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

8. Công văn số 3261/TCHQ-GSQL về thủ tục tạm xuất, tái nhập hàng thay thế

Công văn số 3261/TCHQ-GSQL ngày 29/6/2021 của Tổng cục hải quan hướng dẫn thủ tục, chính sách thuế đối với trường hợp hàng hóa tạm xuất để sửa chữa nhưng không tái nhập, nhà cung cấp nước ngoài cấp trả cho Công ty sản phẩm mới.

  • Đối với hàng hóa đã tạm xuất nhưng không tái nhập: Thực hiện thủ tục xuất khẩu hàng hóa (mã loại hình B12 – Xuất sau khi đã tạm xuất) tại Chi cục Hải quan nơi mở tờ khai tạm xuất. Trường hợp tờ khai được phân vào luồng đỏ thì Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quyết định việc không kiểm tra thực tế hàng hóa.
  • Đối với hàng hóa mới nhập về để thay thế: Thực hiện thủ tục nhập khẩu (không phải tái nhập) hàng hóa thông thường.
  • Chính sách thuế thực hiện theo quy định đối với từng loại hình xuất khẩu, nhập khẩu tương ứng tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Nghị định số 134/2016/NĐ-CP sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 18/2021/NĐ-CP.

9. Công văn số 2687/TCHQ – TXNK về thực hiện nghị định số 18/2021/NĐ-CP

Công văn số 2687/TCHQ – TXNK ngày 01/06/2021 của Tổng cục hải quan ban hành về việc thực hiện Nghị định 18/2021/NĐ-CP có nếu một số điểm quan trọng như sau:

  • Trong vòng 15 ngày kể từ ngày thông quan sản phẩm xuất khẩu tại chỗ (“XKTC”), người xuất khẩu phải thông báo cho cơ quan hải quan thông tin về tờ khai hải quan của sản phẩm nhập khẩu tại chỗ tương ứng. Trường hợp không thông báo đúng thời hạn, người xuất khẩu phải đăng kí tờ khai A42 để kê khai nộp thuế đối với nguyên liệu, vật tự nhập khẩu đã sử dụng để sản xuất sản phẩm XKTC này. Khi làm XKTC người XKTC phải nộp thêm chỉ định giao hàng hóa tại VN của tổ chức/doanh nghiệp nước ngoài.
  • Nêu chi tiết các trường hợp cần hoàn thành đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định trong thời hạn tối đa không quá 1 năm kể từ ngày nghị định 18/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành
  • Giải thích chi tiết về điều kiện kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp chế xuất, đặc biệt là điều kiện có hệ thống camera quan sát. Cụ thể, Công văn 2687 liệt kê các khu vực tại doanh nghiệp chế xuất cần có camera quan sát bao gồm các khu vực cửa ra vào, kho bãi lưu trữ nguyên liệu vật tư, bán thành phẩm, thành phẩm, máy móc và thiết bị, và các hàng hóa không chịu thuế khác. Các khu vực khác được bố trí để sản xuất, sử dụng hàng hóa như nhà xưởng, văn phòng, nhà ăn,…không áp dụng yêu cầu này.